Vụ cháy chung cư thảm khốc ở Anh gây nhiều lo ngại cho những người đang sống ở nhà cao tầng. KTS Trần Văn Truyền lý giải một số thắc mắc hay gặp liên quan đến cháy nổ ở chung cư:

1. Khi tòa nhà bốc cháy, khói, lửa có lan xuống tầng dưới được không?

Lửa có thể lan xuống tầng dưới theo đường vật liệu như mặt tiền bao bọc khu nhà, vách ngăn, ống dây điện... Lửa sẽ lan mạnh theo hướng gió.

Khói thường bốc lên các tầng trên nhưng có thể lan xuống dưới theo đường ống kỹ thuật.

2. Tại sao lối thoát hiểm cần có 2 lớp cửa?

Theo đúng chuẩn, cửa thoát hiểm phải có 2 lớp cửa để có không gian đệm, có hệ thống tăng áp ngăn không cho khói và khí độc từ các phòng khác lan vào cầu thang thoát hiểm.

chaycc-9169-1497542418.jpg

Vụ cháy chung cư ở Anh gây rúng động dư luận. Ảnh: 

3. Bạn có nên ở yên trong căn hộ nếu đám cháy xảy ra ở nhà khác?

Theo tờ Independent, ở Anh, lực lượng cứu hỏa đưa ra lời khuyên với những người sống trong chung cư như sau:

- Nếu đám cháy trong phòng bạn, hãy thoát khỏi ngay lập tức và gọi cứu hỏa.

- Nếu đám cháy ở nơi khác, bạn không được mở bất cứ cánh cửa nào có cảm giác nóng, cả nhà dồn vào một phòng và đóng cửa. Dùng khăn ướt chèn phía dưới cửa. Nếu gần cửa sổ, bạn có thể mở để lấy không khí và để lực lượng cứu hộ thấy bạn. Gọi điện cho cứu hỏa.

Cơ sở để Anh đưa ra lời khuyên này dựa trên yêu cầu các tòa chung cư phải sử dụng vật liệu tốt để lửa không thể lan vào nhà nhanh chóng. Cửa ra vào phải có khả năng chịu lửa được 30 phút, đủ thời gian cho người bên ngoài vào cứu. Nhờ đó, người trong nhà sẽ được an toàn tối thiểu 30 phút thay vì lao ra ngoài và ngạt khói.

Tuy nhiên, giải pháp này sẽ rất tai hại với những công trình không tuân thủ tiêu chuẩn sử dụng vật liệu phòng cháy.

4. Trần thạch cao có dễ bốc cháy khi gặp sự cố?

Khi bốc cháy, trần thạch cao thông thường sẽ nhanh chóng sụp xuống gây nguy hiểm tính mạng. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, các hộ nên sử dụng loại trần thạch cao cản lửa.

5. Những thiết bị "lành" như tủ lạnh, điều hoà có gây cháy nổ?

Mọi thiết bị điện bị chập điện đều có thể gây cháy nổ. Mức độ nhẹ thì cháy phích cắm, nặng thì cháy thiết bị, nếu có vật liệu gần đấy bắt lửa thì có thể cháy to hơn.

6. Có nên mở cửa phòng khi đi ngủ?

Không chỉ đảm bảo riêng tư mà việc đóng cửa còn tránh lửa lan rộng khi có sự cố. Ngoài ra, chủ nhà cần rút ổ cắm toàn bộ các thiết bị điện, điện tử; không đốt nến, để tàn thuốc còn cháy, đảm bảo mọi lối đi thông thoáng.

7. Trong nhà nên có một hay nhiều cầu dao tự động?

Để đảm bảo an toàn và việc sử dụng từng thiết bị hiệu quả, mỗi căn hộ nên có nhiều cầu dao tự động trong đó có một chiếc chung cho cả nhà. Ngoài ra, bạn nên bố trí thêm cầu dao cho nguồn điện chiếu sáng, điện công suất lớn... để ngắt điện khi có sự cố.

Để tránh chập điện trong nhà, theo một kỹ sư điện tại TP HCM, bạn cần lưu ý:

- Không dùng dây điện trần (không vỏ) để dẫn điện.

- Không để thiết bị dùng điện, dây điện quá gần các thiết bị dễ cháy như xốp, thùng carton, giấy... vì những vật liệu này rất dễ bắt lửa. 

- Không đi dây dẫn điện trên mái tôn, tránh quá trình cọ xát làm đứt dây, gây hiện tượng chập mạch dẫn đến cháy. Nên luồn dây điện trong những ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao. 

- Không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. 

- Chọn tiết diện dây dẫn phù hợp công suất của thiết bị điện để dây dẫn không bị quá tải gây ra cháy…

- Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn (bàn là, siêu nước, bếp điện,…).

- Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, bởi chỗ gỉ là nơi phát nhiệt lớn. 

Hồng Liên - Kim Anh 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022