Từ khi sinh con trai, vợ chồng tôi thống nhất với nhau rất rõ ràng vai trò trong việc giáo dục con. Tôi sẽ đóng vai trò "ác quỷ", nghĩa là người dạy con bằng sự nghiêm khắc, độc đoán và đòn roi. Vợ sẽ đóng vai trò "thiên thần", là người dùng tình yêu thương và sự mềm dẻo để tâm sự, trò chuyện cùng con.

Chúng tôi đã hoàn thành vai trò của mình suốt 15 năm qua. Nhưng không hiểu sao, con trai càng lớn thì càng lầm lì, tính cách nổi loạn. Con không thích tâm sự với mẹ nữa. Mỗi khi bị bố đánh, con cúi gầm mặt, đau lắm mới khóc; còn không thì chỉ đỏ mắt. Và những lỗi sai ấy, con sẽ tiếp tục vi phạm. Vì con, vợ chồng tôi đau đầu, cảm thấy bất lực. Đến mức, tôi chỉ muốn bỏ mặc con, không quan tâm, không dạy dỗ nữa.

Tôi thường liên lạc với cô giáo chủ nhiệm của con. Cô giáo vẫn khẳng định ở lớp con rất ngoan, là lớp phó học tập, thành tích học rất tốt. Chỉ có điều, tính cách của con rất nhút nhát, thường tự cô lập bản thân, không có bạn bè, dù con là con trai. Các phong trào ở trường, con đều từ chối tham gia. Cô động viên, hỏi han thì con bảo sợ thất bại, sợ làm cô thất vọng. Con luôn mặc áo tay dài dù thời tiết nóng bức. Thỉnh thoảng trên áo trắng của con còn có vài vết máu. Cô giáo cố kéo tay áo lên thì thấy trên tay con có những vết cứa dài, có vết còn rướm đỏ. Cô giáo khuyên chúng tôi nên quan tâm, yêu thương con nhiều hơn.

se-1733905208308642359235-1743661406539759576408.jpg

Những gì cô chia sẻ càng khiến vợ chồng tôi lo lắng hơn. Tại sao ở trường thì con ngoan ngoãn, rụt rè. Về nhà lại trưng ra bộ mặt bất cần và ngông cuồng? Tại sao con lại làm đau chính mình?

Mấy ngày trước, vợ rủ tôi xem một bộ phim có cái tên rất lạ "Sex Education". Trước giờ, tôi gần như không xem phim ảnh, chủ yếu là xem bóng đá hoặc đấu võ đài. Lần đầu tiên xem phim cùng vợ, lại là một bộ phim giáo dục giới tính tuổi vị thành niên. 

Qua bộ phim, vợ chồng tôi hiểu thêm về thế giới, cách suy nghĩ của những đứa trẻ đang tuổi mới lớn. Chúng cũng có những suy tư, thắc mắc và bất lực giống người trưởng thành. Chúng cũng biết đau khổ, hụt hẫng, tuyệt vọng vì cách đối xử của bố mẹ.

Một người đàn ông cứng cỏi như tôi, xem đến đoạn cậu bé Jackson tự làm đau tay mình để thoát khỏi sự ám ảnh thành tích của bà mẹ Sofia, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Tôi đã rơi nước mắt trước mặt vợ mình.

Tôi cũng giống Sofia, luôn áp đặt thành tích, ép buộc điểm số với con. Từ bé, tôi đã đặt ra những yêu cầu vượt quá giới hạn của con nhưng buộc con phải thực hiện được. Nếu không, tôi sẽ dùng đòn roi và những lời mắng chửi để làm con tổn thương.

Tôi cũng nhận ra, thì ra lý do con luôn mặc áo dài tay và thỉnh thoảng trên tay áo có dính vết máu là do con tự làm tổn thương mình. Bởi con muốn trốn tránh nỗi đau tinh thần nên dùng đến cách làm tổn thương thể xác.

Vợ chồng tôi đã thức trắng đêm để suy nghĩ lại về cách dạy con của mình. Có lẽ, chúng tôi phải thay đổi bản thân nếu không muốn đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Và cũng là để tìm lại tuổi thơ, niềm hạnh phúc của con.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022