17 năm nay, từ ngày lấy chồng đến giờ, tôi đều sống với mẹ đẻ.
Mẹ tôi là phụ nữ đơn thân, còn tôi là con duy nhất nên tất cả cuộc sống, niềm vui nỗi buồn, mẹ đều gửi gắm nơi tôi. Thấu hiểu tâm lý đó, chồng tôi dù là con trưởng trong gia đình 5 anh em, vẫn theo vợ về ở với mẹ, cho mẹ đỡ cô đơn lúc tuổi già.
Ai ngờ đâu, niềm vui có rể mới chưa được bao lâu thì mẹ phải gánh nỗi đau như sét đánh ngang tai: Tôi bị u não.
Khối u chèn lên dây thần kinh thính giác hai bên khiến tôi dù phẫu thuật xong vẫn bị điếc, kèm theo rất nhiều di chứng khác, và càng ngày bệnh càng nặng hơn. Tôi không bao giờ còn trở lại bình thường được nữa.
Tác giả chụp ảnh cùng gia đình
Từ lúc ấy trở đi, tôi chẳng đỡ đần được mẹ bất cứ việc gì, không muốn nói là gánh nặng lớn cho mẹ vì thường xuyên phải đi viện chữa bệnh. Cũng từ lúc ấy trở đi, chồng tôi thay tôi lo lắng mọi việc trong nhà.
Anh thường xuyên vào bếp nấu nướng cùng mẹ. Cứ đi làm về, lại xắn tay áo lên nấu nốt những món còn dang dở. Ngày nghỉ hay lễ Tết, anh đi chợ từ sớm, rồi đảm nhiệm hết những công đoạn phức tạp của món ăn. Mẹ tôi chỉ cần phụ chút ít.
Với những việc lớn trong nhà như xây nhà dựng cửa, mua sắm đồ đạc, sửa chữa những thiết bị hỏng hóc cũng là chồng tôi chịu trách nhiệm chính. Mẹ không cần phải lo lắng nhiều.
Đi làm, tiết kiệm được đồng nào, chồng tôi đều gửi mẹ giữ hết. Bà vẫn là tay hòm chìa khóa của cả nhà, quyết định mọi việc chi tiêu. Chồng tôi không khi nào tự ý vượt rào.
Nếu như trong cuộc sống thường ngày, mẹ vợ và con rể còn có lúc không đồng quan điểm, cáu giận nhau thì riêng chuyện tài chính lại không bao giờ.
Lúc nào hai người cũng thống nhất cao độ, để vun vén cho mái ấm gia đình.
Ngôi nhà khang trang tôi đang ở đây chính là công sức chắt chiu dành dụm tiền bạc, mồ hôi nước mắt của cả mẹ và chồng. Sáu tháng làm nhà là 6 tháng chồng trầm mình không quản thời gian, công sức trông coi, tuy mới tháo bột do bị ngã gãy xương đòn. Còn mẹ, lăn lưng nấu nướng cơm nước cho thợ, dù đã 70 tuổi.
Nhìn mẹ, nhìn chồng hôm nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quần áo lấm lem cát bụi, bơ phờ, mệt mỏi, những trưa hè nắng nóng như thiêu như đốt, tôi chỉ biết xót xa, áy náy trong lòng.
Mọi việc khác trong nhà cũng vậy, tôi hầu như không phải nhúng tay vào. Mẹ và chồng cùng nhau bàn bạc, quyết định. Tôi không biết và không cần biết gì hết. Điều hai người cần nhất ở tôi, chỉ là ăn ngủ, giữ gìn sức khỏe, thích làm gì thì làm.
Nhớ ngày xưa, khi còn khỏe, tôi hay đưa mẹ đến nhà bạn bè chơi, bây giờ chồng tôi cũng làm thay luôn việc ấy. Ngày nghỉ hay Tết nhất, bà thích đến nhà ai, chồng tôi sẽ đưa bà đi.
Bạn bè mẹ không ai không biết “ông” con rể này. Họ hàng nhà tôi thì khỏi nói rồi, mọi người ai cũng quý mến anh, có việc gì là gọi đến ngay.
Tôi tuy máu mủ ruột thịt thật, nhưng mọi người chỉ quý tôi như cách người ta vẫn dành tình thương cho một người có số phận kém may mắn. Còn chồng tôi tuy là “người ngoài” khác máu tanh lòng, nhưng được mọi người quý trọng thực sự.
Nhưng hơn tất cả những điều đó là việc anh luôn hết lòng chăm sóc con gái yêu của mẹ những lúc tôi ốm đau đi viện. Chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ xúc cho ăn, cắt móng tay móng chân đến tắm gội, đổ bô đi vệ sinh.
Nếu như ngày xưa mẹ còn phấp phỏng sợ rằng khi bà nhắm mắt xuôi tay không ai lo cho tôi, thì giờ đây theo năm tháng, chứng kiến những gì chồng đã làm cho tôi, mẹ hoàn toàn yên tâm, tin tưởng tuyệt đối.
Có một đứa con gái như tôi là nỗi hẩm hiu bất hạnh của mẹ nhưng có một người con rể tháo vát, trách nhiệm, tốt bụng như chồng tôi thì lại là may mắn mà hiếm bà mẹ vợ nào có được. Khiến cuộc đời mẹ được an ủi phần nào. Vợi bớt những âu lo…
Và tôi cũng vơi đi những day dứt trong lòng khi không làm được gì cho mẹ.
Theo VietNamnet