Ly hôn khi ngủ là gì?

Theo Shelby Harris, giám đốc sức khỏe giấc ngủ của tổ chức Sleepopolis, ly hôn khi ngủ là một biện pháp vợ, chồng ngủ riêng tạm thời hoặc vĩnh viễn, do sự khác biệt về cách ngủ, thói quen và sở thích, hoặc chứng ngáy ngủ.

Cần hiểu rõ rằng ngủ riêng không có nghĩa là mối quan hệ của một cặp vợ chồng đang gặp rủi ro. Thay vào đó, đây là cách để cả hai có giấc ngủ ngon và đó là mục đích lành mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến ngủ riêng phụ thuộc vào vấn đề của từng gia đình. Ví dụ, một người hay sử dụng nhà vệ sinh trong đêm có thể làm người kia bị thức giấc, việc ngủ riêng giường (nhưng chung phòng) là giải pháp.

Tuy nhiên, nếu một trong hai người bị chứng ngủ ngáy hoặc vợ chồng không thể thống nhất về nhiệt độ ngủ ưa thích, ngủ khác phòng sẽ tốt hơn. Trong một số tình huống cá biệt, ví dụ thời gian đi làm lệch nhau, vợ chồng ngủ trong hai ngôi nhà hoàn toàn khác nhau có thể cũng là một gợi ý.

Một số cặp lựa chọn giải pháp thống nhất đêm nào ngủ chung, đêm nào ngủ riêng, nhưng điều này dường như không mấy hữu ích cho việc có được giấc ngủ ngon. Tiến sĩ Kelvas cho rằng, thường xuyên thay đổi nơi ngủ có thể làm rối loạn nhịp sinh học của một người, dẫn đến chứng khó ngủ hoặc ngủ không sâu. "Tôi khuyên bệnh nhân nên có phòng và giường riêng biệt nhưng có thể tăng tần suất âu yếm ở những nơi ngoài phòng ngủ", chuyên gia nói.

ngurieng-1668412988632550112396.jpg

Ảnh minh họa.

Tác dụng của "ly hôn khi ngủ"

Theo một cuộc khảo sát, hơn 25% các cặp đôi thích ngủ riêng. Cuộc khảo sát cũng cho thấy phụ nữ nhạy cảm hơn với rối loạn giấc ngủ và mất ngủ hơn so với nam giới. Ngủ đủ giấc là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể và về lâu dài cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ.

Các nhà tâm lý học cho rằng nếu người này liên tục bị người kia làm cho thức giấc, sẽ tạo sự căng thẳng tích tụ theo thời gian và cuối cùng có thể dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ.

Ngủ riêng có thể giúp ngủ ngon hơn nhiều và có thể ngăn ngừa nhiều vấn đề trong mối quan hệ, theo Bright Side.

Nếu ngủ chung giường với người khác, thì khả năng cao giấc ngủ của bạn sẽ bị xáo trộn. Thiếu ngủ liên tục có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe khá nghiêm trọng, bao gồm huyết áp cao, tiểu đường và thậm chí là suy tim. Thỉnh thoảng, bác sĩ phải chỉ định ngủ một mình.

Nếu bạn không muốn "ly hôn khi ngủ", hãy nằm cạnh nhưng đắp chăn riêng

Theo chuyên trang về giấc ngủ ở Anh, ngủ đắp chăn riêng có thể là giải pháp. Bạn vẫn có thể cảm nhận được sự gần gũi và thân mật của việc ngủ chung giường, tuy nhiên, bạn sẽ tránh được nhiều vấn đề bất lợi của việc ngủ chung, từ đó dẫn đến cả hai sẽ ngủ ngon hơn.

Bác sĩ Terri Riutcel, phó giáo sư thần kinh học tại Trung tâm Y học Giấc ngủ Đại học Y Washington (Mỹ), cho biết nhiệt độ khi ngủ rất quan trọng. Bạn và đối phương có thể không giống nhau về nhiệt độ lý tưởng để chìm vào giấc ngủ.

Do đó, đắp chăn riêng cho phép mỗi người có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình, theo Dreams.

Tiến sĩ Fariha Abbasi-Feinberg, giám đốc y tế về y học giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Millennium Physician Group (Mỹ) cho biết: “Mỗi người có thể có sở thích về nhiệt độ khi ngủ khác nhau và đắp mền riêng có thể giúp giải quyết vấn đề này”.

Trong một video chia sẻ với 4,8 triệu người theo dõi, Tiến sĩ Karan, bác sĩ phẫu thuật và giảng viên tại Đại học Sunderland (Anh), giải thích: "Một trong những yếu tố bạn cần để đi vào giấc ngủ là giảm nhiệt độ cơ thể. Ngủ chung giường làm tăng thân nhiệt nên bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn”.

Video hiện đã được hơn 242.500 lượt xem, đạt 25.000 lượt thích và các con số đang tăng lên.

Tất nhiên, những người theo dõi cũng có những ý kiến khác nhau về quan điểm khoa học của Tiến sĩ Karan. Trong khi một số người chia sẻ họ lựa chọn ngủ riêng giường với vợ/chồng, những người khác không thể tưởng tượng được rằng mình sẽ chìm vào giấc ngủ mà không có nửa kia bên cạnh.

Một người đã kết hôn viết: “Tôi và chồng có thời gian và cách ngủ hoàn toàn khác nhau, chúng tôi đã ngủ riêng trong 8 năm, thật tuyệt vời”. Trong khi đó, người khác chia sẻ mình muốn có được cảm giác âu yếm từ bạn đời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022