Nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ về khám sức khỏe trước khi kết hôn

Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12 năm nay có chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, nhiều bạn trẻ chưa thực sự hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa của việc này trước khi lập gia đình.

Cuối năm ngoái, hai bạn trẻ Lê Hùng và Phương Thanh ở Hà Nội tổ chức đám cưới. Tất cả các thủ tục đều được thực hiện đầy đủ và chu toàn. Tuy nhiên, khi được hỏi có khám sức khỏe trước khi kết hôn, Lê Hùng cho rằng bản thân anh sống lành mạnh, không có vấn đề gì về sức khỏe nên không đi khám.

Còn Phương Thanh cho biết, hàng năm cô được khám sức khỏe định kỳ tại công ty và kết quả hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, tiền sử của đôi bên gia đình cũng không có gì đặc biệt nên cả Phương Thanh và chồng đều không nghĩ đến việc kiểm tra sức khỏe chuyên sâu trước khi tiến tới hôn nhân.

Chỉ cần yêu nhau và sức khỏe của cả hai bình thường là kết hôn và sinh con – không ít bạn trẻ cũng có suy nghĩ tương tự như cặp đôi Phương Thanh - Lê Hùng. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn, thuận lợi sinh con khỏe mạnh sau khi kết hôn.

ts.-nguyen-thi-thu-ha-tan-mau-bam-sinh-1024x683.jpg
Khám sức khỏe trước khi kết hôn có ý nghĩa quan trọng đối với các cặp vợ chồng

Mang thai đến tuần thứ 29, T.H - một thai phụ ở Hà Nội - được chẩn đoán bị thiếu máu và nghi ngờ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Điều này khiến bà mẹ trẻ bàng hoàng, lo lắng bởi nếu chồng cũng là người mang gen thì xác suất con sinh ra bị mắc bệnh rất cao. T.H cho biết, trước khi kết hôn, hai vợ chồng cũng chỉ khám sức khỏe tổng quát tại công ty mà không nghĩ đến việc làm xét nghiệm sàng lọc một số bệnh lý di truyền bẩm sinh.

Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có gần khoảng 41.000 trẻ em chào đời được xác định mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh. Nhiều cặp vợ chồng tưởng như khỏe mạnh nhưng mang gen bệnh lặn, không được phát hiện sớm nên sinh con mắc bệnh di truyền hoặc dị tật. Các chuyên gia y tế cho biết, phần lớn những trường hợp này có thể phòng tránh được nếu các cặp đôi quan tâm đến việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Tuy nhiên, theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt trên 53%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2022 ghi nhận 950 cặp đôi khám sức khỏe trong tổng số 1.900 cặp chuẩn bị kết hôn. Con số này còn rất hạn chế so với mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90% mà Nghị quyết 21- NQ/TW về công tác dân số đã đề ra.

Làm thế nào để khuyến khích nam nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn?

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông- Giáo dục, Cục Dân số, Bộ Y tế khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc làm hết sức cần thiết. Song có nhiều lý do khiến tỷ lệ nam nữ thanh niên tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân ở nước ta còn thấp.

“Lý do thứ nhất, có thể các bạn nghĩ rằng nếu như khám sức khỏe mà phát hiện ra một bệnh gì đó khiến họ không đi tới hôn nhân. Hoặc vẫn tiếp tục kết hôn thì điều đó lại khiến các bạn hoang mang, lo lắng. Thứ hai là nhiều nam nữ thanh niên chưa biết hoặc chưa hiểu hết về lợi ích của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Thứ ba là nếu có nhu cầu đi tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn thì cũng không biết đến chỗ nào. Một thực trạng nữa là hiện nay công việc của giới trẻ có quá nhiều áp lực khiến các bạn không có thời gian. Với những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, rất nhiều bạn trẻ không có điều kiện về kinh tế để đi khám sức khỏe trước khi kết hôn” - BS Mai Xuân Phương phân tích.

411551118_738902984812766_8690272709466567457_n.png.jpg
BS Mai Xuân Phương nhấn mạnh việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là cần thiết

Hiện nay các văn bản pháp lý như là Luật hôn nhân gia đình năm 2014, Nghị định của Chính phủ đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Mới đây có ý kiến đề xuất ban hành quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe trước khi kết hôn. Về vấn đề này, bác sĩ Mai Xuân Phương nêu quan điểm, đây là đề xuất hoàn toàn có cơ sở và mang tính xây dựng cao. Bởi đây là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn không dễ triển khai nhất là tại các vùng khó khăn.

“Theo tôi, trước khi luật hóa, chúng ta có thể triển khai thí điểm ở một số địa phương, sau đó đánh giá, tổng kết mô hình hiệu quả rồi mới nhân rộng. Cho nên để quy định bắt buộc cần phải có thời gian, không thể ngày một, ngày hai được” - BS Mai Xuân Phương nói.

Thời gian tới để khuyến khích các bạn trẻ khám sức khỏe trước khi kết hôn, nhằm đạt được mục tiêu như Nghị quyết số 21 đã đề ra, theo vị chuyên gia về dân số, cần đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông, làm sao để hoạt động này đa dạng, phong phú phù hợp với vùng miền, phong tục tập quán... để tất cả các bạn nam nữ thanh niên đều thấy được lợi ích của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

“Có rất nhiều cặp nam nữ thanh niên, nhìn bên ngoài bình thường, khỏe mạnh nhưng khi lấy nhau lại sinh con dị tật hoặc mắc bệnh di truyền bẩm sinh, hoặc bị sảy thai liên tiếp, vô sinh, hiếm muộn...Do đó, khám sức khỏe trước khi kết hôn mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, chính các bạn sẽ biết được tình trạng sức khỏe của cả hai bên và chủ động trong đời sống hôn nhân, chủ động trong việc sinh con. Thứ hai, về mặt tâm lý, các bạn sẽ hoàn toàn yên tâm khi cả hai đều khỏe mạnh, không có vấn đề gì về sức khỏe thể chất và tinh thần. Thứ ba, khi tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, các bạn có thể chủ động trong việc kế hoạch hóa gia đình, tránh được chuyện mang thai ngoài ý muốn và chuyện đau lòng là phải phá thai” - BS Mai Xuân Phương chia sẻ đồng thời cũng khuyên các bạn trẻ, nên khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 3 – 6 tháng.

Nội dung khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm kiểm tra sức khỏe tổng quát như hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, cơ xương khớp, tâm thần kinh.

Khám sức khỏe chuyên sâu thì cần khám các cơ quan sinh dục, đánh giá chức năng sinh sản của cả nam và nữ.

Bên cạnh đó, cần thiết xét nghiệm, sàng lọc một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, HIV, sùi mào gà, nấm; sàng lọc các bệnh lý di truyền bẩm sinh như bệnh tan máu bẩm sinh, cháy máu khó đông... Điều này giúp bảo đảm cuộc hôn nhân bền vững và sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022