Áp lực có con nối dõi

Ôm cục bông nhỏ hơn 2 tuổi trên tay, anh Phạm Hoàng (32 tuổi, Tiền Giang) hạnh phúc vì sau 5 năm chạy chữa, 2 vợ chồng đã có được “món quà” hạnh phúc.

Còn nhớ gần 3 năm về trước, hành trình tìm con vô cùng vất vả của vợ chồng anh, áp lực mọi phía, đặc biệt anh lại là con trai độc đinh khiến đôi vợ chồng trẻ nhiều lúc ngã gục.

“Có lúc vợ chồng tôi tưởng như vô vọng với chỉ định xin tinh trùng, cuối cùng may mắn đã mỉm cười. Con trai là món quà mà vợ chồng tôi tìm kiếm suốt 5 năm trời”, anh Hoàng nhớ lại.

Anh Hoàng tâm sự, kết hôn năm 2018, nhưng một năm sau ngày cưới vẫn chưa có tin vui, dù hai vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai nào.

Lên TP HCM khám sức khỏe sinh sản, anh sửng sốt khi được thông báo vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch.

Suốt 3 năm sau đó, vợ chồng anh đi thăm khám, uống thuốc, bồi bổ, ghi nhận có tinh trùng nhưng đều dị dạng. Họ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 3 lần ở hai bệnh viện khác nhau đều thất bại.

Thậm chí anh còn được vi phẫu tinh hoàn để vét tinh trùng (micro-TESE) làm IVF, nhưng cũng không có kết quả.

“Cả ba lần làm IVF, các bác sĩ đều khuyên nên nên xin tinh trùng. Là con trai duy nhất trong gia đình và cháu đích tôn của cả dòng họ, điều đó như sét đánh ngang tai tôi. Vợ chồng tôi ai cũng buồn và không thể chấp nhận”, anh Hoàng tâm sự.

Áp lực phải có con nối dõi đè nặng trên vai chàng trai “độc đinh”. “Tôi sợ rằng mình sẽ vĩnh viễn không có cơ hội làm bố, nhất là khi cha mẹ đã già mà vẫn chưa được bế cháu nội”, anh chia sẻ.

ap-luc.jpgÁp lực đè lên vai chàng trai độc đinh sau 3 năm kết hôn nhưng 2 vợ chồng chẳng hề có tin vui

Chàng trai nhớ lại, những dịp họp mặt gia đình, nghe mọi người hỏi thăm “có con chưa”, “chừng nào có”... khiến vợ chồng anh càng căng thẳng.

“Nhiều khi hai vợ chồng không dám ra ngoài bởi cảm giác đã không may bị hiếm muộn rồi còn bị tổn thương tinh thần. Đã có lần tôi muốn buông xuôi nhưng vợ động viên, tiếp tục ‘tìm con’”,  anh Hoàng nói.

Tháng 4/2022, vợ chồng anh quyết định đổi bệnh viện mong hữu duyên có được con.

ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học IVFTA-HCMC của một bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội cho biết anh Hoàng mới được thực hiện micro-TESE trước đó một tuần, nên các bác sĩ quyết định chưa vội chỉ định kỹ thuật này cho bệnh nhân trong vòng 3 tháng, để tinh hoàn có thời gian hồi phục.

Anh Hoàng được làm xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả 99% tinh trùng bất động, 85% tinh trùng bất thường có đuôi ngắn cụt, 1% tinh trùng đầu nhỏ, không có acrosome (một cấu trúc ở đầu tinh trùng, bản chất là một enzym có tác dụng làm bào mòn vỏ trứng để tinh trùng bơi vào trong thụ tinh với trứng).

“Trong 1% di động còn lại, chỉ cần vài con tinh trùng đạt chất lượng là chúng tôi tự tin có thể giúp bệnh nhân có con”, bác sĩ Khoa nói và cho biết ngay thời điểm đó đã quyết định cho bệnh nhân gom và trữ tinh trùng số lượng ít.

Thành quả sau 5 năm cố gắng

Hai tuần sau đó, các chỉ số xét nghiệm của anh Hoàng đều có dấu hiệu suy giảm mạnh, bệnh nhân có nguy cơ vô tinh. Bác sĩ Lê Đăng Khoa một lần nữa đẩy nhanh tiến độ cho bệnh nhân gom tinh trùng và trữ thành công 5 mẫu.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Xuân Nguyên, IVFTA-HCMC, xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng cho người vợ, thu được 10 noãn trưởng thành. Các chuyên viên phòng lab thực hiện rã đông tinh trùng, chọn lọc kỹ càng những “tinh binh” hoàn chỉnh hiếm hoi, đem thụ tinh trong ống nghiệm với noãn tươi của người vợ, tạo được 4 phôi chất lượng tốt.

Tháng 10/2022, chị Thùy Linh, vợ anh Hoàng, nhận tin vui mang thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Bé trai Phan Lý Đạt 2,4 kg chào đời non tháng, được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức sơ sinh (NICU).

Sau gần một tuần, bé được xuất viện với sức khỏe tốt, cứng cáp, tương đương với sức khỏe của một em bé chào đời đủ tháng.

Chị Linh cho biết, từ ngày hay tin hai vợ chồng có một bé trai kháu khỉnh, hai bên gia đình ai cũng vui mừng, thường xuyên hỏi han động viên. Ngày chị sinh con, họ hàng nội ngoại đều vượt đường xa đến thăm em bé mới chào đời.

ap-luc1.jpgHình ảnh bé trai sinh thiếu tháng năm 2022 là kết quả sau 5 năm nỗ lực của 2 vợ chồng chị Linh. Ảnh: NVCC

Với chị Linh, ngoài niềm vui lần đầu làm mẹ sau nhiều năm ròng rã, chị còn trút bỏ được gánh nặng có người nối dõi tông đường. Vợ chồng chị vẫn còn 3 phôi trữ tại bệnh viện, dự kiến tiếp tục làm IVF để sinh thêm con cho gia đình đông vui hơn.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có hơn một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó 40% trường hợp do nam giới.

Nguyên nhân có thể do nhiều nhóm bệnh lý phổ biến như giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh lý nhiễm trùng tiết niệu, các vấn đề rối loạn tình dục hoặc xuất tinh, dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể, suy giảm nội tiết tố/mãn dục…

ThS.BS Lê Đăng Khoa khuyến cáo, nam giới sau một năm sinh hoạt tình dục đều đặn (2-3 lần/tuần), không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có con nên khám sức khỏe sinh sản để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị sớm.

Nam giới cũng cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, thay đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc lá, hạn chế hoặc kiêng rượu bia, không sử dụng các chất cấm và chất kích thích, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi, vận động thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý.

Những trường hợp bất thường/dị tật cơ quan sinh sản không nên e ngại, trì hoãn điều trị khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

sinh-con.jpg?width=150Yêu
Quyết sang trời Tây học tập, nữ tiến sĩ hối hận khi ngày trở về không thể sinh con

Theo Người đưa tin

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022