Trên hành trình cuộc đời, chúng ta sẽ gặp nhiều người – có người mang đến sự tích cực, có người lại khiến cuộc sống thêm phần rối ren. Chính vì vậy, câu nói "Quan trọng không phải bạn là ai, mà là bạn đồng hành cùng ai" càng trở nên thấm thía.
Một bó rơm bỏ giữa đường thì chẳng ai để tâm, nhưng nếu được người nông dân dùng để buộc mớ rau, giá trị của nó sẽ ngang với mớ rau ấy. Nếu rơi vào tay người đánh cá, nó lại có thể được dùng để buộc cua, và giá trị chẳng khác nào một con cua.
Giá trị của con người đôi khi cũng giống như cọng rơm – không nằm ở bản thân mà nằm ở người bạn đồng hành, ở hoàn cảnh và môi trường. Đó chính là "lý thuyết cọng rơm" trong cuộc sống: đi cùng ai sẽ định hình bạn là ai.
Vì thế, nếu muốn cuộc sống an yên và phát triển, bạn cần cân nhắc kỹ những mối quan hệ xung quanh. Và đặc biệt, hãy tránh xa 3 kiểu người sau để cuộc đời bớt gánh nặng và phiền muộn.
Những người hay gây tranh cãi, xích mích
Khi bước qua tuổi trung niên, chất lượng cuộc sống mỗi người sẽ khác nhau – có người được tận hưởng cuộc sống an nhàn, đủ đầy, trong khi không ít người phải đối mặt với khó khăn, áp lực. Ai cũng có lòng tự trọng và mong muốn giữ hình ảnh tốt đẹp trước người khác, tránh trở thành đối tượng để người đời bàn tán, soi mói.
Chính vì vậy, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những gia đình thường xuyên mâu thuẫn, bất hòa – nơi mà cha mẹ, con cái hay anh chị em thường xuyên lời qua tiếng lại. Những người hay tranh cãi thường mang theo năng lượng tiêu cực và dễ lan truyền thị phi. Nếu bạn cố gắng can thiệp hay khuyên can, rất có thể lại bị cuốn vào vòng xoáy mâu thuẫn, thậm chí trở thành đối tượng bị đổ lỗi.
Với những người có quan điểm sống khác biệt, cách tốt nhất là giữ sự tôn trọng và khoảng cách an toàn. Không cần tranh cãi đúng sai – bình yên đôi khi đến từ sự im lặng và khéo léo rút lui.

Những người không thực lòng quý mến bạn
Ở tuổi trung niên, các mối quan hệ cần được chọn lọc kỹ càng. Ngay cả trong những mối thân tình lâu năm, không phải lúc nào sự hòa thuận cũng còn nguyên vẹn. Nếu trong một lần ghé thăm, bạn cảm nhận sự lạnh nhạt hoặc bị xem là "người dưng", hãy tinh ý và chủ động giữ khoảng cách. Đừng cố gắng xuất hiện ở nơi mình không được hoan nghênh.
Càng trưởng thành, bạn càng cần khôn ngoan trong các mối quan hệ xã hội. Hãy ưu tiên đến những nơi bạn được tôn trọng, gặp gỡ những người mang lại cảm giác tích cực và sự đồng điệu.
Nếu cảm thấy áp lực bởi gia đình, hôn nhân hay công việc, thay vì đến nhà những người không quý mến mình, hãy chọn ngồi cùng một người bạn thực sự thấu hiểu, bên ly cà phê và vài câu chuyện nhẹ nhàng. Đó mới là cách để người trưởng thành nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và xây dựng cuộc sống thanh thản hơn mỗi ngày.
Những người thích ngồi lê đôi mách
Trong xã hội, có những người luôn giữ kín chuyện riêng, cẩn trọng với từng lời nói. Ngược lại, cũng có những người rất thích lan truyền chuyện thiên hạ, biến chuyện nhỏ thành to, thật – giả lẫn lộn. Những người này thường bị gọi vui là “camera chạy bằng cơm” – bởi họ luôn tò mò, soi mói và truyền miệng những thông tin không được kiểm chứng.

Người khôn ngoan sẽ chủ động giữ khoảng cách với kiểu người này. Trong đời sống thường nhật, chỉ cần chào hỏi xã giao là đủ, tuyệt đối không nên chia sẻ chuyện riêng tư. Bởi lẽ, một khi bạn lỡ miệng tiết lộ điều gì, họ có thể bóp méo, thêm thắt rồi rêu rao khắp nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng và đời sống cá nhân của bạn.
Tệ hơn, những chuyện riêng tư của bạn, thậm chí của cả gia đình, có thể trở thành đề tài bàn tán cho người khác. Vì thế, nếu không muốn mình trở thành “nhân vật chính bất đắc dĩ” trong các câu chuyện vỉa hè, hãy tránh xa những người hay buôn chuyện và tuyệt đối không đến nhà họ.