Ngày nay, hầu hết mọi người đều đã có ý thức hơn trong việc xây dựng quỹ dự phòng để phòng trừ cho những tình huống không may bất ngờ xảy đến, ví dụ như thất nghiệp, ốm đau... Tuy nhiên, việc tiết kiệm để lo toan được cho cuộc sống hàng ngày đã đủ khiến chúng ta mệt nhoài. Vậy nên mỗi khi nghĩ tới quỹ dự phòng, ắt hẳn nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn.
Quỹ dự phònglà khoản dự phòng tài chính nhằm chuẩn bị trước cho những rủi ro trong cuộc sống. Đây được xem như một khoản đảm bảo, giúp bạn vượt qua các trường hợp khó khăn không lường trước được.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thay đổi suy nghĩ và thực hiện mục tiêu xây dựng cho bản thân 1 quỹ dự phòng ổn định, bài viết này chính là thứ bạn nên tham khảo!
Tùy theo thu nhập và nhu cầu tiêu dùng, mỗi người sẽ cần một quỹ khẩn cấp có giá trị khác nhau. Nhưng dù thế nào, bạn cũng nên xây dựng cho mình 1 kế hoạch, lộ trình kĩ càng. (Ảnh minh hoạ)
1. Mở tài khoản ngân hàng dành riêng cho lúc khẩn cấp
Việc thiết lập 1 tài khoản ngân hàng dành riêng cho quỹ dự phòng như thế này chính là cách bạn có thể chủ động không đụng đến số tiền tiết kiệm, thay vì để lẫn nó với tài khoản nhận lương và chi trả chung. Đồng thời, hãy cố gắng cất nó vào 1 góc để hạn chế tối đa việc sử dụng tới số tiền trong tài khoản ngân hàng này.
Ngoài ra, khi đã mở tài khoản dành cho khoản dự phòng xong, hãy nhớ thiết lập cả việc trích tiền tự động để chắc chắn rằng đến mỗi kì lương, dù bạn có quên hay không thì vẫn sẽ có 1 khoản riêng được chuyển vào tài khoản này.
2. Lập kế hoạch tiết kiệm
Kế hoạch tiết kiệm này sẽ bao gồm việc phân bổ ngân sách và chọn 1 tỷ lệ tiết kiệm nhất định.
Theo phương pháp lập ngân sách với số 0, bạn có thể gom các khoản chi tiêu lặt vặt hàng ngày lại và phân loại chúng vào các đầu mục lớn, như tiền trả nợ, chi phí đi lại, chi phí ăn uống hàng ngày, chi phí mua sắm,... Tất nhiên, tiền khẩn cấp là một trong số đó.
Bằng cách ước lượng trước ngân sách cho từng mục, bạn sẽ biết được mình có bao nhiêu tiền có thể cất vào tiết kiệm.
Đối với những người sở hữu 2 nguồn thu trở lên và không có quá nhiều nhu cầu có thể chọn cách chỉ xài một thu nhập, phần còn lại sẽ dùng để tiết kiệm.
Tuy nhiên, để làm được việc này, hãy rõ ràng và nghiêm khắc với bản thân ngay từ bước lập kế hoạch và tỉnh táo trước mọi quyết định chi tiêu.
Tuyệt đối đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình trạng mua sắm bốc đồng hay mất kiểm soát. (Ảnh minh hoạ)
3. Bắt đầu với những gì bạn có, dù khoản tiền đó ít hay nhiều
Nhiều người luôn e ngại và phân vân khi tài chính của bản thân không thực sự dư dả. Mỗi tháng, sau khi trừ hết các chi phí thiết yếu thì hầu hết đều không còn nhiều đồng dư, thậm chí có những tháng có khoản phát sinh thì sẽ không còn đồng nào.
Tuy nhiên, có 1 nguyên tắc mà bạn cần biết là, thà có còn hơn không. Và bạn hoàn toàn có thể đặt nền cho quỹ của mình với chỉ 1-2 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí ít hơn.
Việc bắt đầu tích lũy từ những con số nhỏ như thế này cũng khiến bạn rèn luyện được tinh thần có trách nhiệm với bản thân và nhận thức được giá trị của đồng tiền cũng như cách cách kiếm tiền. Để từ đó phần nào hạn chế được chi tiêu 1 cách lãng phí.
4. Hãy nhớ tích lũy 1 cách đều đặn
Để xây dựng được quỹ dự phòng, bạn cần gom góp đủ tối thiểu 3-6 tháng lương. Như vậy, bạn sẽ cần duy trì thói quen tích lũy thường xuyên.
Theo đó, hãy cố gắng tích lũy 1 cách đều đặn; điều đó cũng sẽ giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ học được cả cách thay đổi lối sống.
Ngay cả khi thu nhập tăng, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là tăng tỷ lệ tiết kiệm, không phải mua sắm thêm những món đồ chưa thực sự cần thiết cho cuộc sống của bạn.
5. Hiểu và xác định rõ ràng mục đích dự phòng của bản thân
Về cơ bản, tiết kiệm cho loại quỹ này là 1 cách khác để bạn thực hành tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính lớn hơn. Tuy nhiên, dù là tiền đề xây dựng và hình thành thói quen tiết kiệm, nhưng nếu bản thân không xác định rõ mục tiêu thì bạn sẽ rất dễ nản chí, thậm chí là bỏ cuộc giữa chừng.
Do vậy, trước khi bắt tay vào việc xây dựng quỹ dự phòng, tốt hơn là hãy ghi lại 1 cách thật cụ thể các mục tiêu (bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn). Thế nhưng, đừng đặt mục tiêu cao quá nếu không muốn bản thân bị choáng ngợp, chán nản.
Trên đây là 1 vài bí kíp nhỏ giúp bạn dễ dàng hơn trên hành trình xây dựng quỹ dự phòng của bản thân. Tham khảo và thử bắt tay vào thực hiện xem sao nhé!