Hơn 40 năm đi tìm lời giải cho những ẩn số
Ngày 8/3 năm nay với bà Đinh Thị Lái (78 tuổi, quê ở Nam Định, hiện sống ở Dầu Tiếng, Bình Dương) thật khác. Bà cảm nhận được niềm vui bên các con, đặc biệt là người con gái thất lạc 42 năm gia đình bà đã cất bao công tìm kiếm.
Còn với chị Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi), chị cũng không còn chạnh lòng khi thấy người khác tất bật sửa soạn quà hay gửi tặng mẹ của họ những lời chúc tốt đẹp nhất. Bởi kể từ sau cái ngày đi lạc định mệnh 27/11/1981, 8/3 năm nay, chị Hồng cũng đã có mẹ.
Kể về nguyên do khiến mẹ con lưu lạc nhiều năm, bà Lái cho biết, vợ chồng bà quê gốc ở xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1980, bà cùng chồng đưa 5 đứa con vào tỉnh Minh Hải cũ để làm kinh tế. Tuy nhiên, một năm sau, nông trường giải thể, vợ chồng bà lại dắt díu nhau đi kiếm sống ở vùng đất mới.
Bến xe miền Tây, nơi nhiều năm trước bà Lái thất lạc con (Ảnh: Quốc Anh).
Tháng 12/1981, cả nhà 7 người đi xe đò lên bến xe miền Tây (TPHCM). Đồ đạc mang lỉnh kỉnh đủ thứ gạo ăn, quần áo... Ông Đinh Văn Lâm - chồng bà Lái - ngồi trông các con nhỏ, còn bà Lái dẫn con gái lớn vào khu chợ cạnh đó.
Người mẹ không hề hay biết, đứa con gái 7 tuổi tên Hồng cũng chạy theo nên khi quay ra bà sững người khi chồng hỏi: "Cái Hồng có đi với bà không?".
Hai vợ chồng tá hỏa vừa khóc vừa đi tìm con. Họ hỏi người đi đường, người bán quán và càng hoảng khi nghe thông tin ít ngày trước cũng có một người đàn ông lạc mất con trai ở bến xe này.
Những cha mẹ có con lớn lên thành đạt đều 'gặp nhau' ở 8 quy tắc khi dạy dỗĐỌC NGAY
Tìm mãi không thấy con, vợ chồng bà Lái đến cơ quan công an gần đó trình báo nhưng không có thông tin gì. Chờ đợi đến ngày hôm sau, lo lắng nếu ở lại mấy đứa con còn lại cũng đi lạc hoặc bị bắt cóc, bà Lái cùng ông Lâm đành bắt xe đi về Dầu Tiếng, Bình Dương.
Đến vùng đất mới, bà Lái làm quần quật đủ việc từ trồng cây, tăng gia sản xuất, kiếm củi, hái măng. Lúc nào ngơi tay hay đêm về, lòng người mẹ lại quặn thắt nhớ đến con. Ba, bốn năm liền, nước mắt gần như đã cạn khô.
Không có tiền để đi tìm con, người mẹ bất lực chỉ biết ngóng thông tin trên đài phát thanh, nhưng nghe mãi, nghe mãi chỉ thấy người đi tìm con mà chẳng có chỗ nào báo trả con.
Bà Lái báo tin dữ về quê, ai biết tin cũng thấy xót xa. Họ thương cho vợ chồng ông bà Nam tiến tìm kế sinh nhai, cuộc sống chưa thấy khấm khá lên đã phải đối mặt với bi kịch thất lạc người thân.
Năm 1984 và 1988, vợ chồng bà Lái sinh thêm 2 người con nữa. Nhà đông con, nhưng bà chưa khi nào thôi khắc khoải nghĩ về "cái Hồng bé bỏng, da trắng nhất nhà" không may đi lạc ở bến xe.
Vợ chồng ông Lâm, bà Lái và các con hồi nhỏ (Ảnh: BTC)
Hơn 40 năm, những câu hỏi như con đã đi đâu, con còn sống không, lớn lên trông như thế nào, con đang ở đâu… với bà Lái luôn là một ẩn số. Con gái bà năm ấy mới 7 tuổi, nhỡ không may bị bắt cóc, đánh đập thì làm gì có sức mà phản kháng.
Bất lực khi rủ các con ra ngoài dã ngoại, bố mẹ dứt khoát rút cục phát wifi mang đi chơiĐỌC NGAY
"Đặc biệt là cái ngày đi lạc ấy, con đi đâu mà chỉ trong tích tắc đã không thấy. Với vợ chồng tôi, đó là một bí ẩn chúng tôi luôn muốn biết", bà Lái nói với phóng viên Dân trí .
Cũng theo người phụ nữ này, khi kinh tế dần ổn định, ông bà cùng các con cũng đi nhiều nơi tìm chị Hồng. Họ thậm chí còn nhờ tới nhà ngoại cảm. Khi nghe nhà ngoại cảm phán chị Hồng còn sống và đang ở một trung tâm bảo trợ xã hội thuộc TPHCM, bà Lái cùng chồng tới tìm con nhưng rồi lại ra về trong thất vọng.
Là người theo đạo Thiên Chúa, ông Lâm nhờ cha xứ loan tin trên hệ thống các nhà thờ để tìm con, còn bà Lái, suốt ngần ấy năm, lần nào đi lễ, bà cũng cầu nguyện những điều tốt lành cho con gái. Năm 2014, ông Lâm qua đời mang theo nỗi khắc khoải về đứa con gái thất lạc.
Những buổi ngồi khóc nhớ mẹ cha, khát khao một gia đình
Về phần chị Hồng, sau khi chạy theo mẹ nhưng không thấy mẹ đâu, chị Hồng vừa đi vừa khóc. Một lúc sau, chị lạc ra đường lớn. Mãi sau này, chị mới biết, mình đã đi ngược hướng với bố mẹ khiến khoảng cách giữa họ ngày một xa dần.
Chị Hồng thời trẻ (Ảnh: BTC).
Nhìn đâu cũng thấy xe cộ mà không thấy bóng dáng thân quen nào, chị càng hoảng loạn. Khi băng qua đường, chị không may bị một chiếc xe tông phải và được người dân đưa đi cấp cứu.
Nghiên cứu của ĐH Harvard: Mẹ thường là người kèm con học hành nhưng trẻ sẽ thông minh hơn khi học cùng bốĐỌC NGAY
Tại bệnh viện, khi được cán bộ công an hỏi, chị nói tên mẹ là Năm, chị cũng không nhớ tên Hồng là tên của mình hay được các cán bộ công an đặt cho. Nhờ giấy tờ của bệnh viện, chị Hồng mới biết mình bị lạc vào ngày 27/11/1981.
Cô bé 7 tuổi khi đó nghĩ, chỉ cần chờ đợi thì ngày một ngày hai bố mẹ sẽ tới đón mình. Nhưng chị chờ mãi, suốt hơn nửa tháng trời cũng không thấy bố mẹ đâu.
Chị kể, ra viện, chị được cán bộ công an tên là Nguyễn Văn Ba đưa về nhà chăm sóc. Ngày ngày, Hồng theo ông Ba lên đồn, chiều lại về nhà. Qua nửa tháng, chẳng có ai đến đón, chị được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội Thị Nghè (TPHCM) với cái tên Nguyễn Thị Hồng, giấy tờ được ông Ba làm cho.
Vào trung tâm, chiều nào chị cũng ra cổng ngồi khóc, ngóng chờ bố mẹ. Nhưng rồi, dần dần, chị đành chấp nhận mình thực sự đã bị thất lạc gia đình.
Mấy năm sau, vì để thuận tiện cho việc học, chị Hồng được chuyển về Trung tâm trẻ mồ côi, cơ nhỡ Tam Bình. Đến tuổi trưởng thành, chị đi học nghề may để tự lập, trang trải cuộc sống.
Vợ chồng chị Hồng cùng các con.
Vì thất lạc gia đình từ nhỏ nên chị Hồng luôn khát khao tiếng gọi mẹ, gọi cha. Vì vậy, tiêu chí lập gia đình của chị là người đàn ông phải có cả cha lẫn mẹ. Duyên số đưa đẩy, chị kết hôn với người chồng quê Khánh Hòa, được gia đình chồng hết mực yêu thương. Cả hai lần lượt có với nhau 2 người con (một trai, một gái).
Hai mẹ con chỉ sống cách nhau 70km
Sau khi lập gia đình, chị Hồng sinh sống ở Dĩ An, Bình Dương. Hơn 40 năm qua, cả hai mẹ con chị Hồng chỉ loanh quanh ở TPHCM và Bình Dương, cách nhau 70-80km nhưng họ lại không hề hay biết.
Nhiều năm trước, khi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phát sóng những số đầu tiên, cả hai mẹ con đã cùng nhau gửi hồ sơ về chương trình.
Chị Hồng bên mẹ và những người thân yêu.
Chị Hồng chia sẻ: "Khi thấy nhiều người tìm được người thân qua chương trình, tôi cũng nuôi hi vọng. Tôi chờ đợi mãi và cứ ngỡ mình không thể tìm được người thân vì đã bốn mấy năm trôi qua rồi. Đến khoảng tháng 10/2023, tôi nhận được thông tin từ chương trình".
Cách người đoạt giải Nobel Kinh tế dạy con quản lý tiền bạc, khác biệt thế này bảo sao con lớn lên dễ giàu cóĐỌC NGAY
Chị Hồng chia sẻ trong hồ sơ gửi về chút thông tin ít ỏi về địa điểm đi lạc, tên của mình, năm tháng đi lạc và tên mẹ là Năm. Sau này chị mới rõ, mẹ không phải tên Năm mà do bản thân có sự nhầm lẫn.
Ngày trước, nhiều người có thói quen gọi tên vợ theo tên chồng, mẹ chị vì thế cũng được gọi là Lâm. Do ảnh hưởng của phương ngữ Nam Định hay nhầm lẫn giữa N và L nên chị nhớ tên mẹ mình thành "Năm".
Cùng thời điểm tháng 10 năm ngoái, bà Lái cũng nhận được những thông tin tích cực từ chương trình tìm kiếm người thân.
"Tôi được yêu cầu gửi tóc để làm xét nghiệm ADN nhưng chờ hơn 2 tháng không nhận được kết quả, tôi nghĩ chắc là nhầm rồi. Đến tháng 12, tôi nhận được tin xác thực đã tìm thấy con gái mà vỡ òa sung sướng. Lúc ấy, tôi chỉ ước chồng mình còn sống để biết rằng, con gái vẫn bình an", bà Lái nghẹn ngào chia sẻ.
Chị Hồng bên bữa tiệc đoàn viên cùng gia đình.
Gặp được con gái ở tuổi xế chiều, với bà Lái như một kỳ tích. Hai mẹ con bà đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ít ỏi ngày xưa cũ, kể cho nhau nghe những buồn vui thăng trầm tháng ngày xa cách. Bà Lái còn làm 30 mâm tiệc liên hoan để chị Hồng nhận anh em họ hàng, làng xóm.
Dịp Tết vừa rồi, với chị Hồng là cái Tết hạnh phúc nhất. Chị được đón cái Tết đoàn viên đúng nghĩa. Hiện tại, hai mẹ con cùng sinh sống ở tỉnh Bình Dương nên chị Hồng có nhiều cơ hội đi lại thăm nom, chăm sóc mẹ.
"Hiện giờ, tôi chỉ cầu mong mẹ luôn khỏe mạnh để sống thật lâu bên tôi cùng các anh, chị em, con cháu", chị Hồng bày tỏ ước nguyện sau khi tìm thấy mẹ.
GĐXH - Những phương pháp giáo dục không phù hợp có thể khiến trẻ phát triển không lành mạnh và hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin.
Bí quyết sống lâu của người Okinawa