Tôi năm nay 64 tuổi, đã về hưu, lương hưu mỗi tháng được 15 triệu đồng. Số tiền đó đủ để tôi sống thoải mái, nhưng từ khi con trai tôi lấy vợ, cuộc sống của tôi bắt đầu đảo lộn. Con trai tôi lương chỉ 8 triệu, còn con dâu thì lười biếng, lương cũng chỉ 5 triệu. Cả hai đều không chịu cố gắng phấn đấu, chỉ thích ăn chơi hưởng thụ, và luôn trông cậy vào lương hưu của tôi. Hết tiền thì lại hỏi xin tôi để đi chơi, đi ăn nhà hàng. Sống chung với các con, tôi phải trải qua rất nhiều buồn bực, tức giận đến mức khi nghĩ lại vẫn thấy đau lòng.
Bữa sinh nhật đắt đỏ và những chuyến du lịch bất ngờ
Một ngày, con trai tôi báo rằng nó muốn tổ chức sinh nhật cho con dâu ở một nhà hàng sang trọng. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Hai đứa có đủ tiền không?”. Con trai cười nhạt: “Mẹ có lương hưu mà. Mẹ giúp con với!”. Tôi thở dài, nhưng vì thương con, tôi đã đưa 5 triệu. Đến ngày sinh nhật, tôi đến nhà hàng và thấy cả hai đang vui vẻ với bạn bè, gọi toàn món đắt tiền.
Tôi ngồi đó, cảm thấy mình như một cái máy ATM. Khi về nhà, tôi hỏi: “Sao không tiết kiệm để lo cho tương lai?”. Con dâu cười: “Mẹ đừng lo, bọn con còn trẻ mà, với lại sau này sinh cháu ra thì có bà nội đỡ đần rồi còn gì!”. Tôi im lặng, nhưng trong lòng đầy bất an.
Một tháng sau, con trai tôi báo rằng vợ chồng nó muốn đi du lịch Đà Lạt và hỏi xin tôi 7 triệu để chi tiêu, vì tiền của chúng đã dùng hết cho việc mua vé máy bay và đặt phòng rồi. Con dâu còn nhấn mạnh rằng đây là chúng vay tôi, rồi sẽ trả. Nhưng tôi biết chúng sẽ không trả, tôi vẫn đưa tiền vì sợ các con buồn.
Khi chúng đi, tôi ở nhà một mình, nghĩ về cuộc sống của mình. Tôi đã già, nhưng vẫn phải lo cho những đứa con đã trưởng thành. Khi chúng về, tôi hỏi: “Chuyến đi vui không?”. Con trai cười: “Vui lắm mẹ ơi, nhưng hết tiền rồi, mẹ cho con thêm 2 triệu để trả nợ nhé!”. Tôi cảm thấy như thể mình bị lợi dụng một cách triệt để vậy.

Ảnh minh họa
Cuộc nói chuyện có kết thúc đắng nhưng lại là bước khởi đầu mới
Mấy ngày trước, tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc với con trai và con dâu. Tôi bảo: “Mẹ không thể mãi nuôi hai đứa được. Mẹ đã già, cần tiền để lo cho bản thân. Hai đứa phải tự lập thôi!”.
Con dâu liền cau mày hỏi lại: “Mẹ nói vậy là sao? Lương hưu mẹ cao thế, ăn một mình có hết đâu, sao không giúp con cháu?”.
Tôi giận dữ: “Mẹ không phải cái máy ATM của hai đứa!”.
Con trai tôi cũng nổi giận: “Mẹ ích kỷ quá! Mẹ có mình con là con trai thôi đấy, giờ mẹ lo cho bọn con, sau này mẹ già yếu không đi được nữa thì chúng con lo lại cho mẹ”.
Tôi cảm thấy tim mình như vỡ tan. Tôi quyết định đuổi hai đứa ra khỏi nhà, cho chúng tự lập ở bên ngoài để biết rời xa vòng tay bao bọc của tôi, hai đứa có thể làm được gì?
Một tháng sau, tôi nhận được tin con trai và con dâu đang làm thủ tục ly hôn. Con trai tôi về xin lỗi, nói rằng nó đã nhận ra sai lầm của mình. Nhưng tôi biết, mọi thứ đã quá muộn. Tôi đã mất niềm tin vào những đứa con mà tôi từng yêu thương hết lòng. Giờ đây, tôi chỉ còn biết sống cho chính mình, và hy vọng rằng những bài học này sẽ giúp con trai tôi trưởng thành hơn.
Câu chuyện của tôi là một lời cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ: Đừng để tình yêu thương biến thành sự nuông chiều, và đừng để bản thân trở thành nguồn sống duy nhất của những đứa con đã trưởng thành.