Mấy hôm trước, tôi vô tình xem được một đoạn video cảnh một người đàn ông, trong cuộc họp phụ huynh với nhà trường đã lớn tiếng chất vấn thầy hiệu trưởng về chuyện học nghề hay học cấp 3. Là một người mẹ có con đang học lớp 9, tôi cũng đang rất hoang mang và lo lắng cho tương lai của con trai mình. Nhưng tôi thấy, thầy hiệu trưởng chưa chắc đã sai khi thầy đang định hướng tốt nhất, vì tương lai của học trò mình và dựa trên năng lực học của các em.
Vợ chồng tôi muộn con. Năm tôi 38 tuổi mới mang thai và sinh con. Vì xảy ra biến chứng khi sinh đẻ nên tôi buộc phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn mạng sống. Chỉ có một cậu con trai độc nhất nên, vợ chồng tôi cưng chiều con trai hết mực. Nhất là chồng tôi, anh thương con đến mức sẵn sàng bao dung những lỗi sai của con, khiến con ỷ lại vào bố và không có chí tiến thủ. Thậm chí, nếu để con trên đầu mà vác đi được, chắc chồng tôi cũng làm.
Năm con học lớp 4 đã đòi bố mua điện thoại di động đời mới. Mặc tôi ngăn cản, chồng vẫn mua cho con cái điện thoại hơn 12 triệu đồng. Năm con học lớp 6, anh mua xe đạp điện, mua đủ thứ đồ tốt nhất và đặt kì vọng vào con trai rất lớn. Nhưng con tôi bắt đầu hư hỏng dần từ năm học lớp 8, khi con chơi với một nhóm bạn bất hảo ở trường và thường xuyên cúp học, quậy phá. Thầy cô chủ nhiệm gọi điện mời vợ chồng tôi đến trường làm việc, tôi thì chủ động xin lỗi thầy cô, còn chồng tôi vẫn ngang ngược khi bênh vực con trai và đổ lỗi cho nhiều lý do khác nhau.
Tôi bị chồng tát chỉ vì muốn cho con học nghề thay vì học cấp 3. (Ảnh minh họa)
Học kì 1, năm lớp 9, con tôi chỉ đạt học sinh trung bình. Tuy con không còn ngỗ nghịch nữa nhưng con cũng tâm sự với mẹ rằng muốn đi học nghề chứ không thể học nổi cấp 3. Con còn sợ mình thi rớt, sẽ bị bạn bè cười chê.
Ngày họp phụ huynh cuối cấp để nghe tư vấn tuyển sinh lớp 10 và tư vấn nghề, tôi quyết định tôn trọng ý kiến và cũng là dựa trên năng lực học tập của con mà đăng ký cho con học trường nghề. Tôi đem bộ hồ sơ đăng ký về nhà, vô tình chồng tôi thấy được.
Anh giận dữ xé toạc bộ hồ sơ, thẳng tay tát tôi, còn đòi ly hôn vì tôi xem thường con trai anh. Anh nói con phải thi cấp 3 bằng mọi giá. Anh sẽ thuê gia sư đến kèm con học ôn thi một tháng cuối để con thi chứ nhất quyết không được học nghề. Học nghề là vả vào tự trọng, sĩ diện của anh và gia đình. Tôi ôm má, chứng kiến cơn thịnh nộ của chồng mà trong lòng cay đắng.
Giờ ngày nào con tôi cũng học kèm đến tận khuya. Thằng bé không chống đối nữa nhưng thường nói chán nản việc học với mẹ, mong tôi khuyên ba đừng ép con nữa. Tôi bị đặt trong thế đứng giữa, không biết phải làm sao để giải quyết ổn thỏa chuyện này.