Thực tế, đồng hồ sinh học của mỗi người đã được thiết lập sẵn với chế độ thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Do vậy, những người bắt đầu công việc vào các ca sau 6 giờ chiều buộc phải theo một thời gian biểu khác nếu không muốn làm hỏng đồng hồ sinh học của cơ thể.
Nếu bạn là người làm việc ngoài giờ và có giờ làm không ổn định, chắc hẳn đã có lúc bạn gặp vấn đề trong việc ăn uống, không biết ăn gì và không biết ăn vào thời điểm nào là hợp lý. Thói quen ăn không đúng có thể dẫn đến các triệu chứng không tốt cho sức khoẻ như khó ngủ, táo bón, ợ nóng...
Vì vậy, hãy làm theo những lời khuyên hữu ích trong chế độ ăn uống dưới đây để không cần phải lo lắng về các vấn đề sức khoẻ của mình nữa nhé.
Bữa chính trước khi đi làm
Nếu thời gian làm của bạn bắt đầu vào buổi chiều thì bạn nên ăn bữa chính vào giữa trưa, hoặc nếu bạn làm tối thì bữa chính nên bắt đầu vào 6 giờ chiều. Lưu ý hạn chế ăn đồ chiên, rán, cay nóng hoặc có quá nhiều đường nhé.
Tự chuẩn bị đồ ăn nhẹ
Thế nào cũng có lúc bạn cảm thấy đói trong giờ làm việc, do vậy bạn nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ mang theo với những loại thực phẩm lành mạnh như táo, phô mai ít béo, sữa chua... Đừng ăn quá nhiều vào ban đêm bởi bạn có thể bị ợ nóng và táo bón đấy.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước có thể giúp cho cơ thể của bạn làm quen với giờ sinh hoạt mới của đồng hồ sinh học, từ đó bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và không thấy mệt mỏi nữa. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống những loại đồ uống bổ dưỡng như sữa ít béo, trà, trà thảo dược không đường...
Ăn nhẹ trước khi đi ngủ
Nếu trước khi ngủ mà cảm thấy đói, bạn vẫn có thể nạp năng lượng cho cơ thể bằng những món ăn lành mạnh như ngũ cốc với sữa tươi, hoặc bánh mì ngũ cốc... Còn nếu cảm thấy no trước giờ lên giường thì hãy cắt bớt bữa ăn nhẹ trong ngày của mình đi nhé.
Theo sát lịch trình ăn uống kể cả ngày nghỉ
Vào ngày nghỉ, bạn cũng nên ăn uống và ngủ nghỉ theo các khung giờ như những ngày đi làm bình thường nhé. Bởi có như vậy đồng hồ sinh học của bạn mới không bị xáo trộn và hoạt động đúng tiến độ.
Nguồn: Dietitians