Tôi không giống bố mình. Không phải vẻ ngoài, mà là… mọi thứ. Bố tôi là người trầm tính, kiệm lời, không giỏi thể hiện cảm xúc. Ông chưa bao giờ ôm tôi, dù chỉ là một cái siết nhẹ vai. Từ khi còn bé, tôi đã thấy giữa hai bố con luôn có một lớp kính vô hình, lạnh và mờ, không thể xuyên qua.
Tôi đã tự trách mình rất nhiều. Rằng có lẽ tôi không giỏi như em trai, không khéo léo như mẹ, không biết chọn đúng lúc để bắt chuyện với ông. Nhưng khi bước sang tuổi 27, sau một biến cố nhỏ trong nhà, bố vô tình gọi em trai là "con trai của ba", rồi liếc nhìn tôi với ánh mắt thoáng áy náy. Tôi đã không chịu được nữa.
Tôi lặng lẽ đi xét nghiệm ADN.

Ảnh minh họa
Tôi lấy mẫu tóc của tôi và bố, không ai hay biết. Tôi nói dối là muốn kiểm tra gen để phòng bệnh tật, rồi gửi mẫu. Một tuần sau, kết quả trả về: Không có quan hệ huyết thống bố – con.
Tôi nhớ lúc đó tay mình run rẩy, đến mức không cầm nổi tờ giấy mỏng. Tôi không khóc. Tôi cười. Một kiểu cười cay đắng như vừa tự tát vào mặt mình vì đã dám tin vào thứ tình thân vốn đã lỏng lẻo từ rất lâu.
Tôi không biết nên làm gì. Nói với mẹ? Nói với bố? Hay im lặng và tiếp tục sống như thể mình không biết? Tôi đã chọn cách thứ ba vì tôi sợ. Tôi sợ phá vỡ một gia đình đang yên. Tôi sợ nhìn thấy ánh mắt tội lỗi của mẹ, hay sự ghê tởm của bố nếu biết tôi lục lọi bí mật này.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Một lần về quê, trong buổi giỗ bà nội, tôi vô tình thấy lại một bức ảnh cũ: mẹ tôi, ông chú họ – em trai ruột của bố tôi và một đứa bé tròn trịa nằm trong lòng bà. Là tôi, không thể nhầm được.
Nét mặt ông chú hôm đó cũng khiến tôi chú ý: ông nhìn tôi rất lâu, rồi nói một câu vu vơ: "Lớn nhanh thật… Giống ai đâu không biết".
Tôi đã xin lấy mẫu tóc ông, giấu trong khăn giấy, gửi đi xét nghiệm một lần nữa. Tôi không biết mình mong chờ điều gì. Rằng mọi thứ chỉ là trùng hợp? Rằng tôi đang nghi ngờ sai? Nhưng không. Kết quả lần này không hề mập mờ: Ông ấy mới là bố ruột của tôi.
Tôi đã không nói với ai điều này, cho đến tận bây giờ.
Tôi vẫn gọi người đàn ông lạnh lùng ấy là bố, vẫn đi giỗ họ nội, vẫn mừng tuổi ông chú mỗi Tết như một đứa cháu. Nhưng trong lòng tôi, mọi thứ đã không còn vẹn nguyên.
Tôi thấy mình như một người lạc loài trong chính gia đình mình. Và rồi, chính mẹ là người chủ động kéo tôi lại vào một buổi chiều mưa lặng gió, khi tôi nhìn bà với ánh mắt trách móc của 1 đứa con bị phản bội.
Mẹ không khóc. Mẹ nhìn tôi rất lâu rồi nói: “Con không phải con của bố". Tôi tưởng mình sẽ sụp đổ nhưng mẹ lại nói tiếp một điều mà cả đời tôi không ngờ tới: “Ngày đó chú T. con vỡ nợ, không đủ điều kiện nuôi con. Mẹ con là nhân viên quán hát, gặp chú T. cũng như bèo nước gặp nhau. Và rồi ông nội biết chuyện, sốc đến tai biến. Bố con giận chú T. từ ngày ấy, nhất quyết từ mặt. Tính ông ấy lạnh lùng chứ cũng rất thương con”.

Ảnh minh họa
Bức ảnh kia hóa ra là tấm hình được chụp vội trong buổi họp mặt gia đình, khi tôi còn bé. Người đàn ông trong hình – ông chú tôi chỉ ôm tôi một cái rất bình thường. Nhưng mẹ đã giữ lại bức ảnh ấy, không vì tình yêu mà vì sự biết ơn. Và trong những năm tháng ấy, chính “bố” – người đã nuôi tôi suốt hơn hai mươi năm là người chấp nhận tất cả, không một lời oán trách. Thậm chí ông còn tự tay trả bớt 1 phần nợ cho em trai mình.
Tôi đã sống cả tuổi thơ trong một vòng tay không mang dòng máu nhưng tràn đầy trách nhiệm và yêu thương. Người tôi gọi là bố vẫn mãi là bố tôi, dù máu có nói gì đi nữa. Và người mẹ tôi – một người phụ nữ lặng lẽ hy sinh, ôm mọi bí mật vào lòng chỉ để con mình lớn lên được bình thường như bao đứa trẻ khác. Vì bản chất, với bà, tôi chỉ là 1 đứa cháu chồng.
Giờ đây, khi sự thật đã hé lộ, tôi không biết phải đối diện với mọi người như thế nào. Tôi vẫn hoang mang, vẫn giằng xé giữa cảm xúc, vẫn có lúc trách móc vì sao họ không nói sớm hơn.
Tôi vẫn chưa biết nên gọi chú là gì. Vẫn chưa đủ can đảm để ngồi xuống nói chuyện như hai bố con. Tôi cũng không đủ dũng cảm hỏi tại sao bây giờ bố vẫn không nhận tôi? Tôi nên làm gì đây? Nếu lật lại mọi thứ tôi có mất bố mẹ hiện tại?