Cơ thể con người có đến 70% là nước và nguyên tố này là điều tối quan trọng của sự sống. Nước có khắp nơi trong cơ thể như máu, cơ bắp, não bộ, xương khớp, phổi, gan… Con người có thể chịu đói trong vài tháng nhưng nếu chỉ thiếu nước vài ngày thôi là đã có nguy cơ tử vong cao. Nước giúp duy trì các hoạt động sống của cơ thể, đồng thời giúp thanh lọc, thải độc trong quá trình bài tiết.

nuoc-1-15491033259231087831441.jpg

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong điều kiện bình thường, lượng nước cần cho 1kg trọng lượng cơ thể trong một ngày là 40ml. Như vậy, một người nặng trung bình 50kg sẽ cần uống 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu đã uống đủ nước mà vẫn cảm thấy khát thì rất có thể bạn đã mắc phải một số bệnh hoặc vấn đề sức khỏe dưới đây.

Tiểu đường

Thường xuyên khát nước có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều làm tăng nguy cơ mất nước trong cơ thể. Khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể sẽ ép thận phải sản xuất nhiều nước tiểu nhiều hơn để loại bỏ lượng glucose dư thừa. Đi tiểu thường xuyên cũng là một triệu chứng khác của tiểu đường, điều này sẽ khiến cơ thể cảm thấy khát thường xuyên và cần phải bổ sung nhiều nước hơn.

Tham khảo thêm Tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm và đây là cách để nhận biết bệnh

Nếu bạn cảm thấy thường xuyên khát nước, đi tiểu quá nhiều, cũng như gặp phải các triệu chứng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi hoặc khó chịu thì bạn nên thực hiện xét nghiệm đường huyết để xác định xem mình có mắc tiểu đường hay không.

Khô miệng

Có thể bạn không tin nhưng khô miệng cũng được coi như là một bệnh mãn tính. Nếu bạn uống nước đến no cả bụng rồi mà vẫn cảm thấy khát, khô miệng thì có thể bạn đã mắc phải căn bệnh này. Bệnh khô miệng hay còn được gọi là xerostomia, thường bị nhầm là khát nước quá mức. Khô miệng xảy ra khi tuyến nước bọt có vấn đề, gây ra thay đổi thành phần và dòng chảy của nước bọt, khiến nước bọt tiết ra ít hơn và đặc hơn. Bệnh kéo dài có thể dẫn tới khô miệng, sâu răng và thậm chí là khó nhai nuốt thức ăn. Nguyên nhân phổ biến gây ra khô miệng là lão hóa, lo âu căng thẳng kéo dài, hút thuốc lá hay là tác dụng phụ của một số loại thuốc biệt dược.

nuoc-3-1549103325930798572606.png

Các vấn đề về tuyến giáp

Tuyến nhỏ hình bướm ở cổ là cơ quan đặc biệt quan trọng trong cơ thể. Đây là nơi sản sinh ra các hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất, quá trình tế bào chuyển hóa chất dinh dưỡng, điều chỉnh năng lượng và giữ cho mọi hoạt động trong cơ thể được diễn ra bình thường.

Hoạt động tuyến giáp bất thường có thể chia ra hai dạng là suy giáp (giảm hoạt động tuyến giáp) và cường giáp (tăng hoạt động tuyến giáp). Những dấu hiệu của bệnh tuyến giáp phổ biến có thể kể đến cân nặng thay đổi thất thường, rụng nhiều tóc, rối loạn cảm xúc, kiệt sức, chu kỳ kinh nguyệt không đều ở phái nữ… và luôn cảm thấy khát nước cũng là một trong số đó. Tình trạng uống đủ nước mà vẫn thấy khát thường xuất hiện ở bệnh nhân suy giáp. Nếu luôn cảm thấy khát và có các triệu chứng kể trên thì bạn nên đến bác sĩ ngay để kiểm tra tuyến giáp của mình.

Tham khảo thêm 8 dấu hiệu cho thấy tuyến giáp của bạn đang có vấn đề

Ngoài ra, tình trạng uống đủ nước mà vẫn thấy khát thì rất có thể là do những vấn đề sức khỏe sau:

PMS

PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) là các triệu chứng khó chịu về thể chất và tinh thần, thường xảy ra khoảng 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Mỗi người sẽ gặp phải các vấn đề khác nhau nhưng phần lớn mọi người có các triệu chứng về thể chất như sưng và đau bụng, đau tức ngực, tích nước, đau đầu, táo bón; cũng như các triệu chứng về tâm lý như dễ cáu gắt, buồn chán, thờ ơ, khó tập trung. Cảm thấy khát nước thường xuyên cũng là một trong số những triệu chứng của PMS.

nuoc-5-15491033259381549488848.jpg

PMS gây ra tình trạng khát nước bởi mức độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể tăng cao, khiến cơ thể tích thêm nước và nặng nề hơn. Ngoài ra, quá trình mất máu cũng khiến cơ thể cần thêm nhiều nước và chính vì vậy bạn sẽ cảm thấy khát nước hơn ngày thường rất nhiều.

Căng thẳng mãn tính

Tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho tuyến thượng thận của chúng ta hoạt động kém, điều này có thể dẫn đến huyết áp thấp, gây chóng mặt, trầm cảm, lo lắng và khát nước. Khát nước chính là cơ chế tự nhiên của cơ thể khi cơ thể cần nhiều nước hơn để tăng huyết áp. Bạn có thể uống một cốc nước ấm để giúp cơ thể đỡ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài của vấn đề này vẫn nằm ở việc kiểm soát tinh thần của bạn.

nuoc-6-15491033259421963970842.png

Ăn quá nhiều thực phẩm lợi tiểu

Thực phẩm có tác dụng lợi tiểu khiến bạn khát nước vì chúng khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Nhóm những thực phẩm lợi tiểu nhất là cần tây, măng tây, củ cải đường, chanh, các loại dưa như dưa chuột, dưa hấu, dưa gang, gừng và rau mùi tây. Mặc dù những thực phẩm này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên bạn nên cân bằng tất cả các nhóm thực phẩm chất bột đường, chất béo, protein và rau quả trong chế độ ăn uống của mình để khỏe mạnh hơn.

nuoc-7-15491033259451706357069.jpg

Chế độ ăn kiêng low carb

Cảm thấy khát nước là một tác dụng phụ phổ biến của chế độ ăn kiêng low carb, vì chế độ này đòi hỏi bạn phải cắt giảm đáng kể lượng carbohydrate nạp vào cơ thể. Carbohydrate có tác dụng hấp thụ và giữ nước nhiều hơn so với protein và chất béo. Kết quả là bạn sẽ phải đi tiểu nhiều hơn và cảm giác khát nước cũng đến thường xuyên hơn.

Tham khảo thêm "Tác dụng phụ" không mong muốn của chế độ ăn kiêng Low-carb

Mất máu

Cơ thể con người có đến 70% là nước, và máu chính là lượng nước lớn nhất chảy trong cơ thể. Khi mất máu xảy ra như trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc bị thương nặng, cơ thể bạn sẽ cần hấp thụ một lượng nước lớn để bù đắp lại lượng máu đã mất. Chính vì vậy khi "đến ngày" hoặc bị thương, bạn sẽ cảm thấy khát nước nhiều hơn bình thường.

Nguồn: Prevention

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022