Bất chấp những tranh luận về tỉ lệ sinh giảm và áp lực từ cha mẹ mong muốn con cái lập gia đình, giới trẻ Trung Quốc vẫn không có kế hoạch sinh con đến khi có đủ khả năng tài chính.
Trích dẫn cuộc khảo sát, tờ The Paper đưa tin, giới trẻ Trung Quốc tin rằng một cuộc hôn nhân ổn định và sự nghiệp ổn định là những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để có con.
Những người được hỏi cũng cho rằng “sợ đau khi sinh con” là lý do hàng đầu khiến phụ nữ ngại sinh con.
Ảnh minh họa: Sixth Tone
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi 4 nhóm, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, những người tham gia chủ yếu là các sinh viên đại học, cả nam và nữ đều cho biết họ muốn thành công trong sự nghiệp trước khi lập gia đình.
Báo cáo cũng tiết lộ khi phái nữ tự do tự chủ nhiều hơn, kết quả cho thấy sự thay đổi dần dần trong tâm lý hôn nhân ở Trung Quốc, nơi mà theo truyền thống, đàn ông được kỳ vọng sẽ là trụ cột tài chính cho gia đình.
Hầu hết những người được phỏng vấn cho biết họ không còn coi hôn nhân là một phần không thể thiếu của cuộc sống, khác với thế hệ cha mẹ hay ông bà của họ.
Thay vào đó, giới trẻ Trung Quốc hiện giờ tin rằng mục tiêu chính của hôn nhân là tinh thần và mức sống cao hơn.
Sợ đau khi sinh con và thiếu kỹ năng làm cha mẹ là các lý do chính khiến những người trẻ ngại sinh con. Khoảng 15% số người được hỏi cho biết họ muốn theo đuổi “lối sống DINK” – nghĩa là "thu nhập gấp đôi; không có con".
Báo cáo này nằm trong một loạt các nghiên cứu nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân và sinh con, đồng thời đưa ra thêm các biện pháp hiệu quả hơn với tình trạng dân số già hóa của quốc gia này.
Tuy nhiên, hơn 40% số người được hỏi cho biết họ vẫn sẽ chọn không sinh con chỉ vì những thay đổi gần đây đối với chính sách hỗ trợ sinh đẻ. Và chỉ 8,26% cho biết sẵn sàng có con hơn sau khi các chính sách này được công bố.
Báo cáo cũng cho thấy, đối mặt với những lo ngại về việc làm, một số người được hỏi cho biết họ hy vọng có nhiều chính sách hỗ trợ việc làm hơn.
The Paper dẫn lời Mao Zhuoyan – một giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô (Trung Quốc), cũng là người tham gia cuộc khảo sát, cho biết kết quả cho thấy tâm lý của sinh viên đại học khi kết hôn khác biệt đáng kể so với những người đã kết hôn khác.
Giáo sư này nói thêm rằng những thay đổi chính sách cần tính đến những thay đổi trong nhận thức của thế hệ hiện tại về hôn nhân và sinh con, và cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ.
Theo Tiền Phong