CƠ CHẾ TẠO TIẾT SỮA NHƯ THẾ NÀO?
Sữa được tạo ra nhờ 2 cơ chế quan trọng: Cơ chế hoocmon và cơ chế cung cầu.
Về cơ chế hoocmon: Khi em bé bú cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra hoocmon Prolactin tại thùy trước của tuyến yên, Prolactin đi trực tiếp vào máu mẹ và có nồng độ cao nhất sau 30 phút kể từ lúc bé bú xong. Chính vì vậy, nó giúp sản sinh sữa nhiều hơn cho cữ bú sau. Bé bú càng nhiều, lượng Prolactin sản xuất càng nhiều, đồng nghĩa với việc sữa được sản xuất nhiều hơn. Khi bé bú mút, kích thích núm vú mẹ sẽ sản sinh ra hoocmon Oxytocin giúp các nang sữa co bóp tống sữa ra ngoài. Vậy bú đúng khớp ngậm là yếu tố hàng đầu để Oxytocin sản xuất tốt, giúp bé lấy được nhiều sữa nhất, làm trống nang sữa tránh tình trạng ứ đọng sữa thừa, gây tắc sữa.
Về cơ chế cung cầu: Nếu bé bú càng nhiều, cơ thể sẽ sản xuất ra lượng sữa tương đương với nhu cầu của bé. Nếu nhu cầu bé nhà bạn bú là 800ml sữa một ngày, và bú mẹ hoàn toàn. Cơ thể sẽ sản xuất 800ml sữa/ngày, nhờ cơ chế bé kích thích vào đầu ti bằng phương pháp mút ti càng nhiều càng sản sinh ra nhiều Prolactin vào máu, giúp sản xuất sữa cho bữa bú sau.
Dựa trên vận hành của cơ chế tạo, tiết sữa. Chúng ta có các tips giúp sữa về nhanh và nhiều hơn như:
1. Cho bé bú sớm khi sinh ra
Bú sớm được định nghĩa là dù sinh thường hay sinh mổ bé cần được da kề da với mẹ và bú mẹ lúc đó, kích thích phản xạ tìm ti. Hoặc ít nhất cho bé bú sớm trong vòng 1h đầu sau sinh. Nếu trẻ khi sinh ra bình thường, khóc to, không cần hồi sức thì nên được da kề da với mẹ và bú sớm trong 1h sau sinh theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới ( WHO) .
Bé bú mẹ sớm giúp các ống dẫn sữa thông thoáng, tránh tắc tia sữa, viêm vú. Giúp sữa mẹ về nhanh hơn do sự kích thích vào đầu ti tạo ra hoocmon Prolactin và oxytocin. Ngoài ra kích thích co hồi tử cung tốt hơn chống băng huyết sau sinh.
Trong quá trình công tác của mình, không ít lần mình nghe được lo lắng của các mẹ như: "Em thử vắt ra nhưng chưa thấy sữa, chắc sữa em chưa về, chị cho bé bú sữa công thức giúp em nhé", "Bé bú em không có sữa nên vẫn khóc ạ, chắc bé hờn đói chị nhỉ?", "Ngực em mềm lắm, chắc không đủ sữa cho bé"...
Các mẹ ạ, hãy tự tin ôm con cho bé bú nhé vì sữa non đã sản xuất trong tuần thai thứ 24. Tính chất sữa non đặc, kết cấu dính, có màu vàng với số lượng ít nằm sâu trong các nang sữa. Nên các mẹ vắt tay hoặc vắt máy đều rất khó ra, mà cần bé bú thật nhiều các mẹ nhé.
2. Hãy luôn giữ tinh thần thoải mái
Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp sữa mẹ về nhanh và nhiều. Khi bé chào đời, mẹ phải đối mặt với rất nhiều điều mới, đặc biệt nhiều mẹ bị stress với việc con quấy khóc, chăm sóc con. Sữa trong những ngày đầu chưa có nhiều cũng khiến mẹ stress, rồi đau vết khâu, đau vết mổ. Rồi áp lực từ gia đình "sao ít sữa thế", "sao ăn ít thế"," sữa nóng con không tăng cân à"... Những câu nói thực sự khiến các mẹ bỉm sữa ức chế và đau đầu.
Hoặc mình hay gặp trường hợp, một mẹ rất nhiều sữa hôm nay xích mích, cãi lộn với chồng, tối nằm khóc. Ngày mai thấy tắc sữa, đau ngực xuất hiện nhiều cục tắc và ít sữa hẳn, dần gây mất sữa. Điều đó là do sự ức chế, lo lắng, muộn phiền gây cản trở hình thành hoocmon, đặc biệt hoocmon hạnh phúc "Oxytocin" không được sản sinh tốt làm cho không đẩy được sữa ra ngoài. Từ đó gây ứ đọng nang sữa làm tắc sữa, không được xử lý đúng và kịp thời gây ít sữa, thậm chí có thể mất sữa.
Tránh xa stress, căng thẳng, khi cho bé bú hãy cảm nhận được sự hạnh phúc, tình yêu đối với con. Còn đối với các mẹ vắt sữa, mỗi khi vắt sữa có thể xem phim hài, đọc sách báo... tạo môi trường vui vẻ, không chăm chú nhìn bình sữa và tự vấn hôm nay vắt được bao nhiêu, sao không thấy sữa ra nhỉ?
3. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đúng
Các mẹ uống ít nhất 2,5l nước ấm một ngày. Chúng ta có thể bổ sung sữa nghệ, ngũ cốc, nước trái cây, trà thảo mộc lợi sữa để phong phú và không nhàm chán.
Các mẹ ăn đầy đủ các nhóm chất, không kiêng khem. Rất nhiều mẹ sau sinh bữa ăn nghèo dinh dưỡng, hầu như hôm nào cũng thịt thăn rang và canh rau ngót. Các mẹ có thể ăn hầu hết các loại thức ăn: cá, thịt lợn, thịt bò.... Kiêng các loại đồ ăn mà các mẹ bị dị ứng, các loại thực phẩm cay, nóng.
Vẫn tiếp tục bổ sung: sắt, canxi.
Các thực phẩm dễ gây mất sữa: Rau bắp cải, lá lốt, rau mùi tây, rau bạc hà, măng chua,...
4. Bé bú đúng khớp ngậm
Khi em bé bú sai khớp ngậm dẫn tới em bé bú không hiệu quả, bú không đủ no gây ra bú lắt nhắt, hoặc bé dễ sặc, lượng sữa không ra hết, tồn đọng sữa gây tắc tia sữa, viêm vú. Bú sai khớp còn là nguyên nhân chính gây chảy máu đầu ti, nứt cổ gà, các bệnh về núm ti, làm cho bà mẹ đau đớn, sợ hãi mỗi lần cho bé ti.
Tư thế và cách ti đúng khớp ngậm: Mẹ ôm con thoải mái thành một khối không lỏng lẻo có thể nằm hoặc ngồi. Bụng con áp sát bụng mẹ. Tai, vai, hông trên một đường thẳng, mặt con được áp vào bầu vú mẹ. Khi bú, cằm bé cắm sâu vào ngực mẹ, môi dưới loe rộng để khớp ngậm sâu. Lưỡi bé chìa ra bám vào quầng thâm để vắt sữa và massage. Có khoảng cách từ mũi bé đến ti để bé thở trong quá trình bú. Mẹ thấy con bú mút nhịp nhàng, có nuốt sữa.
Bé ti khớp ngậm đúng sẽ lấy được sữa hiệu quả, cữ ăn được no. Mẹ được rút hết sữa trong bầu ngực tránh viêm tắc tia sữa. Tránh các bệnh đầu ti nứt cổ gà, chảy máu đầu ti. Bé ti đúng lưỡi bé sẽ massage vào các dây thần kinh ở quầng thâm giúp kích thích sản sinh hoocmon Prolactin giúp về sữa cữ sau tốt hơn.
5. Massage ti trước và sau cữ bú
5 phút massage bầu ngực thần thánh trước cữ bú sẽ giúp các nang sữa mềm ra, ống dẫn sữa thông thoáng, bé dễ ngậm bắt núm vú hơn. Sữa sẽ về dễ dàng hạn chế tối đa tình trạng đọng sữa ở các nang sâu.
Massage sau cữ bú sẽ giúp mẹ kiểm tra được ngực có điểm đau không? Có cục cứng không? Còn sữa thừa không? Giúp phát hiện sớm tắc sữa. Đồng thời sự kích thích vào nang sữa sẽ giúp sữa về các cữ sau tăng lên đáng kể.