Gánh cháo hi vọng
Giữa trưa, cái nắng trút hơi nóng xuống khiến lưng áo bà Lê Thị Lệ Nga (56 tuổi, ngụ tại TPHCM) ướt sũng. Bà vẫn một tay xoay trần với xe cháo góc đường. Thao tác chỉ với tay trái, bà Nga thoăn thoắt múc ra hộp, cắt quẩy, chuẩn bị gói gia vị... rồi đùm bọc gọn gàng giao cho khách.
"Tôi mất một tay nhưng tay còn lại vẫn khỏe lắm. Không có lí do gì bản thân tôi không làm được mọi việc. Còn sức là còn lao động, còn làm việc là còn hi vọng", bà chủ tiệm cháo bộc bạch.
Hàng cháo với tấm biển hiệu tự chế thu hút nhiều thực khách dừng chân (Ảnh: Nguyễn Vy).
Xe cháo của bà Nga nằm gọn ở góc đường Nguyễn Khoái (quận 4). Dân lao động đi ngang đây đã quen với hình ảnh này, cũng thường dừng chân trước nồi cháo nghi ngút khói, sôi nhẹ trên bếp. Người ăn cháo tỏ ra thích thú, ấn tượng với cách phục vụ, sự nhanh nhẹn của bà chủ một tay.
Món cháo bà Nga nấu, bán với giá từ 15.000-30.000 đồng/suất, dễ ăn, hợp túi tiền của khách hàng bình dân. Khách quen nhiều, thỉnh thoảng người đến ăn quên mang tiền, bà Nga lại cười xòa, xua tay: "Đi đi, hôm sau đến trả".
Nhìn đoán người lao động nặng, người khó khăn, bà múc nhiều cháo hơn, thêm vài lát thịt để khách đủ no bụng. "Mình khổ, người ta còn khổ hơn", bà Nga cười hiền.
Thương con, dù chỉ còn một tay, bà Nga không nề hà việc gì, cần mẫn làm việc, góp nhặt từng đồng lo cho con (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mỗi ngày, vợ chồng bà dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nguyên liệu. Quán chỉ có hai ông bà phụ giúp nhau, thỉnh thoảng cũng thấy 2 cô con gái ra hỗ trợ. Mở hàng từ 12h trưa, bà Nga sẽ bán qua 19h tối, hết cháo mới dọn dẹp.
Dừng tay khi mọi việc đã hòm hòm, bà chủ một tay tranh thủ xếp, đếm mớ tiền lẻ thành quả của một ngày quần quật, hài lòng đút gọn vào túi.
"Tiền cho con gái học đại học đó", bà Nga mỉm cười.
Mỗi ngày, xe cháo bán hơn 100 tô. Hằng ngày, bà lo đứng bán hàng, ông xã phụ cắt thịt, chặt xương, những việc mà cánh tay trái của bà không đủ sức.
Từng làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con, bà Nga kể từ công việc tạp vụ đến bán vé số, bán rau đã trải qua. Việc nào cũng vất vả mà tiền kiếm được không đủ lo sinh hoạt gia đình, bà và chồng bàn tính rồi xoay sang mở xe cháo này, đã hơn nửa năm nay.
Ngưỡng mộ nghị lực của người mẹ, khách quen thường xuyên đến ủng hộ hàng cháo (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mẹ không được đến trường, giờ nuôi ước mơ con
Ngày hay tin con gái đỗ ngành Điều dưỡng, Đại học Y dược TPHCM, bà Nga miệng cười mà nước mắt lại rơi. "Tôi vui vì con được đi học, thực hiện ước mơ của cháu. Còn tôi khóc vì lo, kiếm đâu ra 50 triệu đồng học phí mỗi năm cho con", bà Nga nghẹn ngào kể.
Con gái lớn của bà đã có gia đình, còn con gái út năm nay chỉ mới 20 tuổi. Thấy con ham học, bà Nga bấm bụng đi vay tiền đóng học cho con mấy năm qua.
Dù vất vả, bà Nga vẫn luôn lạc quan khi thấy con được đến trường và thực hiện ước mơ riêng (Ảnh: Nguyễn Vy).
Người mẹ nhớ nhất lần đóng học phí đợt 2 cho con, trong túi không còn đồng nào. Vì đóng học phí trễ, tài khoản sinh viên của con bị tạm khóa, bà đau lòng lắm.
"Lúc đó chỉ biết lau nước mắt thôi, nghĩ không lẽ vì nhà nghèo mà con phải ngưng học. May mắn, tôi hỏi thăm thì biết có gói vay tín dụng sinh viên ở phường, vội lật đật đi đăng ký mới xoay được tiền để con được tiếp tục tới trường đến giờ", bà Nga trải lòng.
Người mẹ nghèo ý thức được việc bản thân khiếm khuyết từ nhỏ, mất một bên tay. Theo học được đến năm cấp 3, dù vẫn ham học lắm nhưng bà Nga phải bỏ ngang vì gia đình quá khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bôn ba bên ngoài, bà bao năm sống bằng tình thương, chi chút của ông bà ngoại.
Chỉ còn một bên tay nhưng mọi thao tác bà Nga đều làm thuần thục, nhanh nhẹn (Ảnh: Nguyễn Vy).
Hoàn cảnh phải sớm tự lập, 17 tuổi bà ra đời kiếm tiền. Gặp nhau, nên duyên rồi lần lượt sinh hai cô con gái, vợ chồng chưa từng dựa dẫm vào ai, dù nhiều thời điểm rỗng túi.
"Lúc sinh con đầu, tôi đi bán bắp cải. Nhiều hôm trời mưa bán ế, tôi và chồng ở nhà ôm con khóc, ăn rau trừ bữa vì không còn tiền mua thức ăn", bà Nga nhớ lại.
Khi cuộc sống đỡ hơn chút, bà mẹ một tay dành thời gian làm thiện nguyện ở chùa. Xoay sang bán cháo, thỉnh thoảng bà lại đôi nồi gửi vào bệnh viện Nhiệt đới gần đó, hỗ trợ nhân viên y tế và bệnh nhân.
Người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt chia sẻ, đến giờ, bà không có mưu cầu hay ước mơ gì lớn lao. Niềm vui, động lực lớn nhất với bà, là tận mắt nhìn con tốt nghiệp, mặc chiếc áo blouse (áo của nhân viên y tế), làm việc đàng hoàng, sống có ích cho xã hội.
"Người mẹ nào cũng thương yêu và sẵn sàng hi sinh cho con cái. Tôi đã dừng ước mơ của mình, nhưng hạnh phúc vì có thể tiếp nối ước mơ cho các con. Các con tôi cũng hiểu, thương bố mẹ vất vả nên rất ngoan, chịu khó. Như vậy là mãn nguyện rồi", người mẹ rưng rưng.
Theo Dân Trí