Một cuộc kiểm tra ở Đài Loan đã phát hiện ra rằng một số đũa dùng một lần có chứa hàm lượng sulfur dioxide cao. Trung tâm Bảo vệ Môi trường thuộc Cục Điều hành địa phương và Phòng Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế Đài Loan chỉ ra rằng trong quá trình sản xuất đũa dùng một lần, để duy trì vẻ ngoài đẹp hơn, chúng thường được xử lý bằng sulfit. Trong khi đó, sulfur dioxide và hydrogen peroxide có tác dụng làm chất tẩy trắng để ngăn đũa chuyển sang màu vàng, đen và mốc.
Sau khi cơ thể con người ăn phải sulfit, phần lớn sẽ chuyển hóa thành sulfat thải ra qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu người bình thường ăn quá nhiều sulfit có thể gây khó thở, nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Hơn nữa, sulfit sẽ kết hợp với canxi của cơ thể gây "ăn mòn" xương. Ngoài ra, nếu bạn vô tình ăn phải quá nhiều sulfur dioxide sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp như khó thở, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
4 mẹo nhỏ cho người tiêu dùng tự bảo vệ mình
Do đó, các chuyên gia thuộc Trung tâm Bảo vệ Môi trường (Cục Điều hành địa phương Đài Loan) lưu ý người tiêu dùng 4 mẹo nhỏ này để tránh gây hại cho sức khỏe:
- Tránh sử dụng đũa dùng 1 lần quá trắng. Đũa gỗ hoặc trắng có màu sắc quá hoàn hảo có thể là đũa được tẩy trắng quá mức.
- Khi ngửi hoặc nếm thấy đũa dùng 1 lần có vị chua thì đó có thể là dư lượng sulfur dioxide còn bám lại trên đũa. Vì sulfur dioxide hòa tan trong nước nên người tiêu dùng có thể ngâm đũa dùng 1 lần trong nước ấm hoặc nóng trong vài giây để loại bỏ dư lượng sulfur dioxide còn tồn động trên đũa.
- Cố gắng tránh sử dụng đũa có in hoa văn để không ăn phải bột màu không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng nên bóc đũa (dùng 1 lần) ra khỏi bao bì bằng cách bóc từ phần tay cầm của đũa để tránh phần đầu ăn của đũa có thế vô tình dính phải mực in ngoài bao bì.
- Mang theo bộ đồ ăn cá nhân, đây là phương pháp vệ sinh và an toàn nhất.
Các vòng khắc trên tay cầm đũa có liên quan đến số lần tái chế?
Tờ Sanli News của Đài Loan cho rằng số lượng vòng tròn khắc trên phần tay cầm của đũa dùng 1 lần có liên quan đến số lần nó được tái chế. Đũa không có vòng khắc tức là đũa chưa tái chế, có 2 vòng khắc là đã được tái chế và tái sử dụng lần 2, có 3 vòng khắc là đã được tái chế và tái sử dụng lần 3 và sau khi được sử dụng lần thứ 3 này nó sẽ được tiêu hủy.
Theo truyền thông Đài Loan, số vòng khắc trên phần tay cầm của đũa dùng 1 lần có liên quan đến số lần mà chiếc đũa được tái chế, tái sử dụng.
Đũa tái chế càng nhiều thì bề ngoài sẽ có khuyết điểm, màu sắc càng ngày càng trắng do tẩy quá nhiều. Sanli News đã làm một thí nghiệm, đổ đầy nước vào 2 chiếc cốc, người ta cho 2 chú tôm vào mỗi cốc, rồi đặt vào mỗi cốc 1 chiếc đũa dùng 1 lần. Ở cốc thứ nhất sử dụng chiếc đũa không có vòng khắc, cốc còn lại sử dụng đũa có 3 vòng khắc. Kết quả, chỉ sau 1 ngày, con tôm ở cốc đặt đũa 3 vòng khắc đã chết, trong khi con tôm ở chiếc cốc còn lại vẫn sống.
Trước những thông tin về việc "tái chế đũa" nêu trên được tờ Sanli News đưa ra, một nhà sản xuất đũa ở Đài Loan cho rằng: Việc tái chế đũa đắt hơn là sản xuất ra đồ mới. Bây giờ làm gì có ai đi "rửa đũa" như thế nữa.
Đũa dùng một lần có được tái sử dụng nhiều lần hay không vẫn chưa được chứng minh, nhưng bạn có thể cân nhắc mang theo một đôi đũa của riêng mình, vừa thân thiện với môi trường lại đảm bảo vệ sinh!
Nguồn và ảnh: Sanli News, TOPick, hk.on.cc