Tôi có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ tôi đều đã về hưu và đang an nhàn tận hưởng tuổi già. Bản thân tôi cũng có một công việc ổn định với mức thu nhập khá, có lẽ hạnh phúc của con người cũng chỉ đến như vậy mà thôi. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, tôi thường cùng bố trò chuyện tán gẫu.

Bố tôi là một người vô cùng mạnh mẽ, có chút hiếu thắng, cả cuộc đời ông chưa từng xuống nước cầu xin ai bao giờ. Ông bà nội tôi mất sớm, năm ấy bố tôi mới 16 tuổi, vì để chăm sóc em gái, cũng là cô ruột của tôi, bố cắn răng đưa em gái lên thành phố gửi nhờ họ hàng. Cô tôi được học ở thành phố, sau đó cũng ở lại lấy chồng luôn.

Ngày trước khi chưa lấy chồng, cô ruột tôi năm nào cũng về nhà tôi ăn tết. Từ sau khi gả chồng thì cô hầu như không về nữa. Bố tôi thấy em gái hạnh phúc vui vẻ thì cũng không trách mắng gì.

Cũng có lúc nhà tôi gọi điện thoại nói chuyện với cô ruột, lần nào gọi điện cô cũng nhiệt tình mời:

“Khi nào rảnh, anh chị với cháu lên nhà em chơi nhé, đừng ở quê mãi thế, chán lắm!”.

Tuy vậy nhưng bố tôi lại chưa đến nhà cô một lần nào, rảnh rỗi chỉ ở nhà tập dưỡng sinh hoặc đi chợ mua thức ăn cùng mẹ tôi mà thôi.

Một ngày nọ, bố tôi bỗng nhiên đổ bệnh. Tôi vội vàng đưa bố vào bệnh viện huyện khám, không ngờ bố lại bị ung thư, không còn nhiều thời gian nữa. Bác sĩ nói điều kiện chữa trị ở quê không đủ, nếu gia đình có khả năng thì nên đưa bố tôi lên thành phố, trang thiết bị y tế đầy đủ hơn, biết đâu có thể kéo dài thời gian. Nghe xong, đầu óc tôi choáng váng, cảm giác như trời sập. Thế nhưng, còn nước còn tát, dù bác sĩ nói tình hình không khả quan, tôi vẫn quyết tâm đưa bố đi thành phố một chuyến.

2647414b771776a21da606d13d77c218-17287196232411584462564.jpeg

Ảnh minh họa

Tôi không nói kết quả kiểm tra cho bố biết, chỉ úp mở một câu:

“Bệnh của bố không có vấn đề gì cả, nhưng do bệnh viện ở nhà mình không đủ thiết bị nên con phải đưa bố lên thành phố, làm một cuộc phẫu thuật nhỏ là xong thôi!”.

Về đến nhà, tôi cực kỳ bức bối khó chịu, mẹ hỏi tôi tình hình của bố, tôi cũng đáp lại y hệt lúc nói với ông. Buổi tối cả nhà bàn bạc một hồi xem chữa ở viện nào, chúng tôi đều nghĩ đến nhà cô ruột ở ngay trung tâm thành phố, xung quanh chắc chắn gần bệnh viện lớn. Thế là chúng tôi quyết định khăn gói đồ đạc lên thành phố khám bệnh cho bố, chính thức bước chân vào cuộc chiến chữa trị chưa thấy hồi kết.

Sáng ngày hôm sau, hai bố con tôi tay xách nách mang, còn gói theo rất nhiều đặc sản quà quê mà cô ruột tôi thích ăn mang lên thành phố. Thấy chúng tôi đến, cô rất ngạc nhiên nhưng cũng vô cùng vui mừng, nhiệt tình đưa chúng tôi vào nhà ngồi. Nhìn bố và cô vui vẻ nói chuyện, trong lòng tôi ngổn ngang đầy cảm xúc khó tả, không biết chuyến này đi liệu bệnh tình của bố sẽ ra sao.

Ngồi được một lát thì chú và em họ em dâu cũng về tới nhà, ai ai cũng tay bắt mặt mừng chào đón chúng tôi. Cô ruột tự tay vào bếp nấu một bàn đầy thức ăn để chiêu đãi cả nhà, bố tôi tâm trạng cũng khá tốt, còn uống với chồng cô tôi mấy chén. Đến tối, lúc định rời đi, cô tôi bỗng nói:

“Hai bố con còn đi đâu, cứ ở lại đây với nhà em, dù sao nhà em cũng ngay cạnh bệnh viện, sáng sớm mai em đưa anh và cháu đi khám sớm, không cần phải ra ngoài thuê phòng làm gì cho đắt đỏ ra!”.

Bố tôi ngại đông người phiền hà nên không muốn ở, cứ giằng co nhau mãi ở cửa. Cuối cùng, cô ruột tôi bực mình nói:

“Anh chê nhà em chật chội đúng không, chứ bao nhiêu năm anh em không gặp nhau, ngủ ở nhà em gái một đêm cũng không được à?”.

Cả chồng cô và hai em cũng nhiệt tình mời bố con tôi ở lại, chúng tôi không đi nữa. Cô ruột vui vẻ đi dọn phòng cho hai bố con. Thực ra, cô và chú tôi đều là công chức ở thành phố, em họ và em dâu cũng đi làm ở công ty liên doanh đa quốc gia, nhà cô chú là một căn chung cư khá rộng, so với căn nhà nhỏ ở quê của chúng tôi thì đúng là một trời một vực.

Thấy vẫn còn sớm nên tôi xuống siêu thị gần đó mua chút đồ dùng cá nhân. Không ngờ gặp hai vợ chồng em họ ở đó, cách nhau một gian hàng, tôi nghe thấy hết cuộc đối thoại của hai đứa:

“Mẹ cũng thật là, người ta không muốn ở lại cứ cố giữ, mà sao cứ phải ở lại nhà mình làm gì không biết, để giờ trong phòng cứ có mùi gì kì lạ. Đã thế còn vừa ăn cơm vừa nói, trông chán quá!”, em dâu ca thán.

“Em nói ít thôi, hình như lần này bác anh đến để khám bệnh, chắc xong ngày mai là về rồi!”, em rể đáp lại.

“Giả sử như mắc ung thư hay gì đấy lại đi vay tiền nhà mình à, lúc ấy anh phải bảo mẹ là mình không có tiền đâu đấy!”, cô em dâu lại nói.

group-workers-organizing-protest-17287198818501859705909.jpg

Ảnh minh họa

Quay về nhà, tôi rất bực mình vì bị nói xấu, nhìn thấy cô ruột đang phấn khởi thu dọn phòng ốc, tôi chỉ muốn xách đồ bỏ đi luôn. Nhưng nghĩ đến bố, tôi lại đành cố nhịn, coi như chưa nghe thấy gì, chỉ mong ngày mai đến thật nhanh. Bố tôi đi ngủ sớm, còn tôi và cô ra phòng khách ngồi tâm sự. Cô rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của bố tôi, sau một hồi tra hỏi, cuối cùng cô cũng biết bố tôi bị ung thư.

Biết sự thật, cô tôi vừa khóc vừa nói:

“Anh trai cô chịu khổ cả đời rồi, hồi trẻ thì chỉ biết chăm sóc cô, đến khi về già lại vẫn tiếp tục lo lắng cho gia đình!”.

Trò chuyện xong, tôi về phòng, nửa đêm đi vệ sinh thì nghe thấy tiếng cô chú nói chuyện, chủ đề liên quan đến bố tôi. Tôi nghe loáng thoáng chú nói nhà không có tiền, bố tôi mà bị ung thư thì phải tốn nhiều tiền chạy chữa, chú không cho vay được. Cô tôi thì nhất quyết đòi giúp đỡ. Cả đêm hôm đó, tôi không chợp mắt được lúc nào.

Hôm sau, trời còn chưa sáng, bố tôi đã tỉnh dậy. Ông kéo tôi mau mau rời khỏi nhà cô ruột, khiến cho tôi cảm thấy hoang mang khó hiểu. Trước khi đi, bố lấy ra mấy tờ 500 ngàn để ở tủ giày cạnh cửa ra vào. Sau đó, bố con tôi rời đi. Điều khiến tôi càng bất ngờ hơn là bố cứ nằng nặc đòi về quê, thái độ vô cùng kiên quyết, tôi khuyên thế nào đi nữa cũng không chịu ở lại khám bệnh. Tôi bực mình nói:

“Bệnh của bố bắt buộc phải khám xem thế nào, bố con mình đã đến tận đây rồi, khám xong rồi hẵng về!”.

Ai ngờ câu tiếp theo của bố khiến tôi hoàn toàn sụp đổ:

“Về nhà ngay, bố không muốn ở lại đây thêm nữa. Giai đoạn cuối rồi còn chữa với chạy cái gì? Bố không muốn mất tiền oan, bố chỉ muốn về nhà sống yên ổn nốt thời gian còn lại thôi!”.

Tôi khuyên thế nào đi nữa cũng không thuyết phục được bố, vậy nên bố con tôi đành bắt xe khách về nhà. Tôi hối hận vô cùng, biết thế không ở lại nhà cô ruột nữa, bệnh chẳng khám được, lại còn làm bố biết được sự thật bệnh tình. Nhận tin bị ung thư giai đoạn cuối, ai mà không sốc đây? Thì ra cuộc trò chuyện của tôi và cô ruột, cả cuộc cãi vã của vợ chồng cô chú đều đã bị bố tôi nghe thấy hết, vậy nên ông mới tức giận, vội vàng bỏ về như vậy.

Về đến nhà, tôi mở túi hành lý ra thì một bọc nhỏ rơi ra ngoài. Tôi nhặt lên mở ra xem, phát hiện bên trong có 50 triệu, còn kèm một tờ giấy ghi: “Anh ơi, em có lỗi lắm, em chỉ làm được đến thế này thôi, anh cố gắng chạy chữa ăn uống đầy đủ nhé”. 

Nhìn thấy dòng chữ đó, đôi mắt tôi nhòe đi, nước mắt rơi không ngừng. Tôi nhìn ra phòng khách, bố mẹ tôi đang ngồi xem tivi, mẹ tôi vẫn chưa biết sự việc, đang cười rất vui vẻ. Có lẽ, đây là kết cục tốt nhất đối với tất cả chúng tôi, mọi sự về sau, cứ để tôi gánh vác, chỉ cần bố mẹ luôn vui vẻ là được!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022