Mới đây, TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ,chia sẻ về một ca bệnh nhiễm ký sinh trùng mà bác sĩ còn nhớ mãi.

Theo bác sĩ, vào năm 2015, bệnh nhân tên Phương Anh* (sinh năm 1968, tại Hải Phòng) đã tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám. Bệnh nhân kể trước đó bị đau bụng, đi khám ở một bệnh viện khác và được chẩn đoán có khối u ở gan và có chị định mổ. Điều này khiến cho chị rất hoang mang.

Trong thời gian chờ đợi xếp lịch mổ, chị được một người thân giới thiệu tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho thấy chị Phương Anh bị sán lá gan lớn dẫn tới tổn thương tại nhu gan. Khi nghe bác sĩ nói tổn thương gan là do ký sinh trùng chứ không phải ung thư, bệnh nhân đã đứng dậy ôm lấy bác sĩ nói lớn: "Thế là chị được sống rồi".

photo-1-1706088354412937928251.jpg

Bệnh nhân tới khám bệnh (ảnh minh hoạ).

Sau 3 tháng điều trị theo hướng ký sinh trùng, các tổn thương gan của bệnh nhân đã hết sạch. Bệnh nhân rất may mắn, không phải phẫu thuật cắt gan như chỉ định trước đó.

Chị Phương Anh là một nữ giám đốc, chị nói mình không ăn uống vỉa hè bao giờ, thường tiếp khách ở những nhà hàng sang trọng. Ở nhà, chị cũng luôn cố gắng đảm bảo vệ sinh nên khi biết nhiễm sán lá gan lớn, chị đã rất bất ngờ.

Theo bác sĩ Thọ, ấu trùng sán lá gan lớn bơi trong nước, bám nhiều vào các loại thực vật thủy sinh. Ấu trùng sán lá gan lớn bám nhiều nhất vào rau cải xoong, rau ngổ. Đặc biệt với rau ngổ, đây là loại rau có hệ thống lông phủ từ thân tới lá, khi ấu trùng bám vào rửa rất khó sạch. Ở những vùng quê có thói quen ăn rau ngổ sống, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cũng cao hơn.

Bác sĩ Thọ cho biết sán lá gan còn có thể gặp ở các bộ phận khác. Tại khoa khám bệnh, các bác sĩ đã từng tiếp nhận bệnh nhân có sán lá gan ký sinh tại ngực.

"Bệnh nhân tình cờ thấy lên một nốt nhọt tại ngực. Khi nặn nhọt, bệnh nhân nhìn thấy sinh vật lạ (sán lá gan) bò ra nên hốt hoảng đi khám. Sán lá gan có thể ký sinh ở khớp, bộ phận sinh dục", bác sĩ Thọ nói.

Dấu hiệu nhiễm sán lá gan lớn

PGS. TS. BS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - cho biết các loại sán lá gan thường có trong các loại rau thủy sinh như rau rút, rau cần, rau muống, rau cải xoong...

Sán lá gan khi vào cơ thể thường cư trú chính ở nhu mô gan, tuy nhiên sán có thể đi lạc chỗ ở cơ thành ngực, bụng, cơ đầu gối, đùi.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

Giai đoạn cấp tính là giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan, thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng.

Giai đoạn mãn tính là giai đoạn xâm nhập vào đường mật, thường các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm với bệnh khác. Một số dấu hiệu điển hình như:

- Đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu, đôi khi đau thượng vị.

- Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài.

- Một số trường hợp kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, sẩn ngứa/mề đay.

- Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn....

Để phòng bệnh do nhiễm ký sinh trùng, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay bằng xà phòng để không nhiễm trứng giun sán…

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022