Trong những câu chuyện lịch sử, bình thường, ít ai dám làm trái lệnh vua. Thế nhưng cũng có người cả gan dám khước từ ân tình của Hoàng đế, không chỉ một lần mà còn đến nhiều lần. Đó là chuyện của bà Chúa Hến và vua Lê Đại Hành.
Chỉ một lần gặp gỡ khiến vua nảy sinh tình yêu
Bà Chúa Hến tên thật là Phạm Thị Hến, quê ở làng Tó, Tả Thanh Oai (Hà Nội). Tương truyền, bà là người có nhan sắc xinh đẹp, giỏi giang.
Năm 980, sau khi vua Lê Đại Hành lên ngôi đã cầm quân lên phương Bắc để diệt giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Ông cùng quân ta đi đường thủy, theo dòng sông Nhuệ rồi qua làng Tó. Lúc đó, ông dừng lại ở làng để tiếp tế quân lương.
Theo sách "Việt sử những bất ngờ lý thú", vào giờ Ngọ, vua nhìn thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám nữ binh.
Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa, thánh thót câu hò: "Chàng đi tán tía tán vàng / Để em cắt bỏ bến đàng sao đang / Tay cầm bán nguyệt xênh xang / Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta".
Cô gái xinh đẹp hăng hái vận động dân làng bên sông đóng thuyền, góp gạo để làm đầy kho quân lương. Tuy mặc áo vải thô nhưng cô vẫn xinh đẹp, nụ cười như hoa mới nở.
Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa tay, tóc búi tó. Nhìn thấy vóc dáng của người con gái, vua cho rằng, đó không phải người con gái tầm thường. Rồi đem lòng thầm thương mến. Tuy nhiên, lúc ấy vì còn nhiệm vụ đánh giặc nên vua đã rời đi mà không một lời hẹn ước.
Ảnh minh họa về vua Lê Đại Hành.
Ít lâu sau, thiên hạ thái bình. Quân sĩ reo ca khải hoàn rước vua về kinh đô Hoa Lư. Nhà vua mở tiệc thưởng người có công. Các đình thần tôn tặng vua Lê mỹ hiệu: "Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Binh, Trí Nhân, Quảng Hiếu Đại Hành Hoàng đế".
Sau đó, ông nhớ đến người con gái làng Tó gánh quân lương năm nào. Lê Đại Hành chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi về cô gái năm xưa.
Vua tìm được cô, khao thưởng cho cả mấy làng chung quanh. Người dân làng Tó được vua ban thưởng cấp 185 mẫu ruộng và tiền của đóng lại thuyền buôn bán trên sông.
Vua Lê Đại Hành chính thức cho vời nàng vào cung phong danh Đô Hồ Quý phi, rồi còn cho sửa sang ngôi nhà, nơi nàng ở trong xóm thành "Đô Hồ phi cung".
Bản ngọc phả ở đền thờ bà tại đình Hòa Xá do Thanh Xuyên bá Lê Công soạn lời ca ngợi: "Bà là người sắc nước hương trời, đức thuần khiết tốt, phong tư tột bậc tiền nhân, cốt cách đúc từ đạo pháp. Cho nên lấy chữ Đồ Hồ và chữ Uyển Nhân làm tên hiệu".
Người con gái 3 lần từ chối vào cung
Cũng theo sách "Việt sử những bất ngờ lý thú", Đô Hồ Quý phi ngày ấy không muốn làm vợ vua. Tuy nhiên lệnh vua khó tránh, bà không thể khi quân nên chấp nhận.
Ảnh minh họa về bà Phạm Thị Hến.
Ở kinh đô Hoa Lư một thời gian, cha bà mất, bà đã xin về chịu tang. Sau 3 năm, vua Lê Đại Hành cho người đến đón nhưng cả 3 lần bà đều từ chối về cung làm vợ vua. Cuối cùng, vua phải đích thân đến làng đón. Biết khó từ chối, bà đưa ra ba điều kiện mới quyết định quay về.
Một là làm lễ lớn tế cha bà ba ngày trước khi đón dâu. Hai là lễ cưới phải tổ chức ngay tại làng Tó. Ba là địa vị của bà phải ngang hàng với bốn Hoàng hậu của nhà vua. Phải nói rằng, vào những năm ấy, lời vua nói thì người dưới chỉ có thể phục tùng. Ở đây, bà Phạm Thị Hến đã khiến vua phải tới tận quê nhà hỏi vợ lại vẫn dám cả gan đòi hỏi 3 điều kiện.
Thế nhưng khi nghe xong, vua Lê Đại Hành đồng ý với tất cả. Ngay sau đó, bà đã được phong làm Hoàng hậu - tức Phạm Hoàng hậu, một trong 5 Hoàng hậu của vua.
Đền thờ bà Chúa Hến ngày nay.
Nhưng trong suốt nhiều năm bên cạnh Hoàng đế mà bà không sinh được con nên đã xin về quê sinh sống. Sau đó, bà mất tại làng khi chỉ mới 37 tuổi. Người dân cũng gọi bà bằng cái tên dân dã bà Chúa Hến.
Hiện nay, đình làng Hòa Xá ở làng Tó, Tả Thanh Oai, chính là nơi thờ bà. Hàng năm, nhân dân nơi đây vẫn tổ chức cúng giỗ bà Chúa Hến. Tưởng nhớ công ơn, họ tôn bà cùng vua Lê Đại Hành là Thành Hoàng làng.
Theo Pháp luật và Bạn đọc