Chúng ta đã làm gì với những “Lily của đời mình”?

Khi mới xem phim Sex Education những tập đầu, tôi từng nghĩ Lily Iglehart là nhân vật kỳ quặc, khó hiểu. Cô bé sống trong thế giới của riêng mình, đắm chìm vào truyện viễn tưởng về tình dục của người ngoài hành tinh, ăn mặc khác lạ, và chẳng mấy bận tâm đến việc phải hòa nhập với số đông.

a9yd7lnb9e0c1-17391710118231592332129-1739185814382-17391858155251671673850.jpg

Lily Iglehart có một cá tính vô cùng đặc biệt trong Sex Education. Ảnh: Reddit.

Nhưng càng xem, tôi càng nhận ra Lily có lẽ là một nhân vật đầy chủ ý của đạo diễn: cô bé phản chiếu nhiều nét tính cách của tất cả mọi người: tuổi thơ của những bậc làm cha mẹ, và những đứa con hiện tại của họ!

Tuổi thơ là tuổi của trí tưởng tượng và những ước mơ kỳ lạ. Các bậc cha mẹ đã đi qua lứa tuổi đó chắc chắn thừa hiểu điều này. Nhưng rồi sao?

Biết bao nhiêu đứa trẻ thích vẽ, thích viết, thích sáng tác những câu chuyện có thể phi lý trong mắt người lớn, nhưng lại tràn đầy màu sắc trong tâm hồn chúng. Thế rồi, nhiều cha mẹ lại gạt đi tất cả bằng những câu nói lạnh lùng:

- Học những thứ này đâu có ích lợi gì?

- Học mấy cái đó làm gì, tập trung vào môn chính đi!

- Vì sao Toán/Anh/Văn… chỉ được 7 điểm, 8 điểm? v.v.

Tôi từng thấy con mình say mê thiết kế và dựng video nhân vật trong game, nhìn cách con chăm chú dùng phần mềm đồ họa và dựng video (mà thú thực chính tôi cũng không biết các thao tác đó), nhưng tôi vẫn giận dữ, mắng con rằng đó là trò vô bổ, suốt ngày chơi! Tôi đã không chịu hiểu rằng việc cần làm là trò chuyện và cùng con đặt ra một lịch sinh hoạt (bao gồm cả học hành, chơi game, chọn loại game mà chơi…) một cách hợp lý, chứ không phải là phủ đầu, bác bỏ tất cả niềm say mê hứng thú của con.

Phim Sex Education với nhiều câu chuyện, đặc biệt là câu chuyện của Lily, khiến tôi như bừng tỉnh. Tôi nhớ lại ngày xưa, mình cũng đã từng viết những câu chuyện ngắn mô phỏng cả phim ảnh mình xem lẫn cổ tích hoặc thần thoại mình đọc; tôi từng say mê những bộ phim hoặc truyện tranh như Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Cô gái đại dương, Khí cầu của giáo sư Khí cầu của giáo sư Poopsnagle, Thủy thủ mặt trăng, Dũng sĩ Herman, 7 viên ngọc rồng… Ngày đó, bố mẹ tôi đâu có chì chiết tôi như bây giờ! Tôi bị làm sao vậy?

Rồi tôi nhận ra rằng, mình và nhiều thế hệ bố mẹ 8x như tôi có lẽ đã chịu quá nhiều định hướng và áp lực cơm áo gạo tiền, phải có một nghề làm công ăn lương ổn định… mà quên mất chính mình cũng từng như các con!

Những “Lily trong đời thực”, như con tôi chẳng hạn, nếu không đủ mạnh mẽ để bảo vệ bản thân như cô gái Lily Iglehart trong Sex Education, sẽ dần dần thu mình lại. Thật xót xa!

Và rồi chúng ta lại cứ tự hỏi: Vì sao con mình lớn lên không còn sáng tạo? Vì sao con không chia sẻ với mình? Vì sao con cứ như một cái bóng, rập khuôn và sợ hãi? Vì sao con thu mình lại? v.v.

sex-education-lily-1024x576-1739171078895196985217-1739185816852-17391858171052017384332.jpg

Lily từng thu mình lại và suy nghĩ rất tiêu cực khi cảm thấy không ai hiểu mình. Nếu xem đến đoạn này, là cha mẹ, hẳn bạn sẽ rất nhiều lo lắng về số phận của cô bé. Ảnh: Dexerto.

Trí tưởng tượng của trẻ em quan trọng thế nào?

Trí tưởng tượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ em. Nó không chỉ giúp trẻ xử lý thông tin, mà còn hỗ trợ chúng thích nghi với thế giới xung quanh, theo Paul L. Harris. Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng thế giới tưởng tượng của trẻ cũng giúp chúng phát triển khả năng sáng tạo, một kỹ năng quan trọng không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong giải quyết vấn đề thực tế.

Tất nhiên, Harris cũng đặt ra mặt trái là nếu trí tưởng tượng của trẻ quá mức tách biệt khỏi thực tế, nó có thể trở thành một cơ chế phòng vệ để trốn tránh vấn đề thực sự. Khi đó, cha mẹ và giáo viên cần quan sát, giúp trẻ cân bằng giữa thế giới tưởng tượng và cuộc sống thực.

Theo một nhà tâm lý học khác, Marjorie Taylor, các nghiên cứu cho thấy trẻ có trí tưởng tượng mạnh mẽ thường có khả năng đồng cảm cao hơn, vì chúng có thể đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ về những viễn cảnh đa chiều.

Một số trẻ tạo ra bạn bè tưởng tượng để giúp chúng đối mặt với những thách thức xã hội và cảm xúc. Điều này hoàn toàn bình thường và thậm chí có lợi cho sự phát triển cá nhân. Những đứa trẻ có bạn tưởng tượng thường giỏi giao tiếp hơn, có khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và ít bị căng thẳng hơn so với những đứa trẻ không có.

tanya-reynolds-patricia-allison-sex-education-1657117876-17391713218381018122849-1739185817867-1739185818136171029809.jpg

Sự “lập dị” của trẻ em: Đừng coi sự khác biệt là “vấn đề”!

Một số trẻ có xu hướng "lập dị" – nghĩa là chúng có sở thích, hành vi, hoặc cách suy nghĩ không giống với đa số bạn bè cùng trang lứa. Điều này không có nghĩa là trẻ có vấn đề tâm lý, mà có thể là dấu hiệu của tư duy sáng tạo cao và khả năng suy nghĩ độc lập, theo một nghiên cứu của Jonathan A. Plucker & Mark A. Runco. Hai tác giả dùng thuật ngữ “tư duy phân kỳ” để nói về những đứa trẻ có khả năng tìm ra nhiều giải pháp khác nhau cho một vấn đề, thay vì tuân theo những khuôn mẫu có sẵn.

Còn theo Donald Treffinger, những đứa trẻ có “tư duy phân kỳ” thường không thích bị ràng buộc bởi quy tắc, mà thích khám phá, đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, vì khác biệt với số đông, những đứa trẻ này có thể gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Chúng có thể bị bạn bè xa lánh, bị gắn mác "kỳ quặc" hoặc bị hiểu nhầm là có vấn đề về hành vi.

Trong trường học, tư duy giáo dục “truyền thống” thường ưu tiên sự tuân thủ quy tắc và tư duy hội tụ, điều này có thể khiến một số trẻ sáng tạo cảm thấy bị kìm hãm hoặc không phù hợp. Vì vậy, thay vì cố gắng "bình thường hóa" trẻ, giáo viên và phụ huynh nên tạo ra môi trường linh hoạt, khuyến khích trẻ phát triển khả năng đặc biệt của mình.

Theo Dean Keith Simonton, lịch sử cho thấy nhiều thiên tài vĩ đại đều từng bị xem là lập dị khi còn nhỏ. Những người có tư duy khác biệt thường là những người thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ xã hội. Nếu xã hội chỉ chấp nhận những gì thuộc về số đông và loại bỏ những điều khác biệt, thì sẽ không có sự phát triển trong khoa học, nghệ thuật hay công nghệ. Vì vậy, “sự lập dị” không nên bị coi là một "vấn đề" cần sửa chữa, mà là một tiềm năng cần được nuôi dưỡng.

Một lý thuyết tâm lý gần gũi hơn với nhiều bậc cha mẹ hiện nay có lẽ là thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner. Theo đó, trí thông minh không chỉ giới hạn ở điểm số, chỉ số IQ, mà còn bao gồm nhiều loại khác nhau, như trí thông minh sáng tạo, trí thông minh cảm xúc và trí thông minh xã hội…

Trong một nghiên cứu của mình, Ronald Beghetto & James Kaufman khuyến cáo giáo viên và phụ huynh nên đóng vai trò hướng dẫn, chứ không phải áp đặt. Khi một đứa trẻ có sở thích khác biệt, thay vì ép chúng tuân theo số đông, chúng ta nên lắng nghe, khuyến khích và giúp trẻ phát triển theo cách phù hợp với bản thân chúng.

loi-ich-cua-viec-choi-game-voi-tre-2-17391714799981117185492-1739185818835-17391858191051399670111.jpg

Đã đến lúc chúng ta - các bố mẹ, cần thay đổi!

Nếu bạn có một đứa con thích vẽ truyện tranh hoặc vẽ bất cứ thứ gì từ những trò chơi con trải nghiệm, thay vì làm toán, hãy tập tìm hiểu, ngắm nhìn những bức vẽ ấy. Thậm chí nếu con bạn thích viết những câu chuyện có vẻ kỳ lạ, hãy đọc chúng với sự hứng thú thay vì gạt đi. Đó là cuộc sống của con bạn hiện tại, còn bạn thì làm việc vì ai - không phải là vì cuộc sống của con bạn sao?

Nếu con bạn ăn mặc khác biệt, hãy tự hỏi: Chẳng phải đó cũng là một phần cá tính của con hay sao?

Lily không thay đổi bản thân để làm hài lòng người khác. Và cuối cùng, cô bé cũng tìm thấy cách để kết nối mà không phải đánh mất chính mình. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có đủ bản lĩnh như Lily.

Trong phim, Lily cũng từng bị tổn thương sâu sắc, nhưng rồi bạn bè và sự thay đổi cách nhìn của người mẹ đã giúp cô bé vượt qua.

Trong thực tế, có thể cha mẹ không tránh khỏi những lúc làm trẻ bị tổn thương, nhưng quan trọng là chúng ta có đủ tỉnh táo nhận ra để thay đổi và đủ dũng cảm để bảo vệ con, kiên nhẫn đồng hành cùng con để con tự tin phát triển những cá tính lành mạnh, đặc biệt của chính mình?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022