Câu chuyện của Tiểu Tiểu (34 tuổi) được chia sẻ trên Baidu - một diễn đàn MXH ở Trung Quốc đang nhận về nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng:
Khi tôi lấy chồng, mẹ chồng đã qua đời từ lâu. Từ đó đến nay bố chồng vẫn ở vậy, dành trọn thời gian cho công việc và nuôi dạy con trai, không đi bước nữa.
Sau khi kết hôn được 2 năm, tôi sinh em bé đầu lòng. Hết thời gian nghỉ thai sản, tôi gửi con cho mẹ đẻ - ở cùng thành phố để bà chăm cháu và đi làm. Hàng ngày và cuối tuần, sau khi tan làm tôi mới đón con về nhà.
Hồi giữa năm nay, bố chồng tôi nghỉ hưu. Với mức lương hưu 5.700 NDT (gần 20 triệu đồng) ông hoàn toàn sống thoải mái lúc về già mà không cần chúng tôi phải gánh nặng chăm sóc bố.
Sau khi nghỉ hưu, bố bắt đầu mày mò học thêm các ứng dụng điện thoại, hiếm khi ra ngoài. Khoảng 1 tháng, ông nhờ tôi chỉ cách mua hàng qua mạng. Không biết bố muốn mua gì nhưng tôi vẫn chỉ cho ông cách mua sắm. Nhưng tôi không ngờ rằng từ đó, ông trở thành người nghiện mua hàng online.
(Ảnh minh họa)
Hầu như ngày nào bố chồng tôi cũng có đơn hàng online, tần suất mua sắm thậm chí còn nhiều hơn con dâu. Có điều những thứ ông mua khá khó hiểu như những viên đá với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau, một số bình hoa thô kệch,... Ông nói rằng đó là đồ trang trí và cũng không đáng là bao.
Tôi chỉ nghĩ nếu bố thích thì cứ để bố mua vì người về hưu thường cần niềm vui để giết thời gian, có lẽ một thời gian ông sẽ chán. Nhưng bố chồng tôi không có dấu hiệu dừng lại mà ngược lại, xu hướng mua sắm của bố càng ngày càng trầm trọng.
Mới nhất, bố chồng tôi mua một gói nụ trầm hương, nói rằng sắp đến Tết nên mua về đốt để hút vượng khí. Bố còn nhấn mạnh rằng mình mua sale với giá cực hời, rẻ hơn rất nhiều so với tôi mua trước đây. Tò mò, tôi mở ra xem thấy một mùi gắt xộc lên đến choáng váng suýt ngất, kiểm tra bao bì kỹ hơn thì phát hiện đó là đồ giả.
(Ảnh minh họa)
Chưa hết, tôi bảo bố cho xem tài khoản thì phát hiện ra chỉ trong 1 tháng mua sắm lặt vặt mà ông đã tiêu gần hết tiền lương trong tháng. Trước tình hình đáng báo động này, tôi bàn với chồng cách “cai nghiện” mua hàng online của bố.
Sau một hồi tỉ tê chuyện trò, tôi được biết nghỉ hưu khiến ông hụt hẫng, không biết phải làm gì. Ban ngày vợ chồng tôi đi làm, cháu thì gửi ở ngoại, không có người bầu bạn nên càng buồn chán, chỉ còn cách nghịch điện thoại.
Tôi cũng đọc được ở đâu đó rằng nguyên nhân chính của việc mua sắm trực tuyến là do cuộc sống đơn điệu, nhàm chán. Chiếc điện thoại được kết nối mạng trở thành công cụ xoa dịu trái tim cáu kỉnh và trống rỗng của người ta, khiến họ “mua, mua và mua”, bỏ qua sự cần thiết của món đồ.
Vì vậy cách trực tiếp nhất là tạo việc đó gì cho bố chồng làm. Đúng lúc đó, mẹ đẻ tôi nói rằng gần đây bà bị đau lưng, việc chăm cháu gặp nhiều khó khăn nên tôi nảy ra quyết định đưa con về cho ông nội trông. Sau này khi con đi học, tôi dự định sẽ nhờ ông phụ trách việc đưa đón cháu luôn.
Bố chồng tôi rất vui khi nghe tin. Ban ngày, 2 ông cháu đi ăn sáng, ra công viên đi dạo. Đến tối lại quây quần chơi đùa, đọc truyện cực kỳ vui vẻ. Bố tôi dần rời chiếc điện thoại, không mua sắm trực tuyến nữa.
Bố tôi còn chủ động kể lại cho vợ chồng tôi nghe về việc mua hàng online và thừa nhận mình đã bị cám dỗ. Ông bảo ban đầu cảm thấy mới lạ, sau đó ông lướt mạng mua sắm mỗi ngày, hễ nhìn thấy là mua. “Thật ra bố đã mua một số thứ vô dụng. Ngay cả người mua đồng nát cũng từ chối. Từ khi chăm cháu, bố không có thời gian dùng điện thoại nữa. Dù hơi mệt một chút nhưng mỗi ngày bố đều thấy mãn nguyện và có tâm trạng vui vẻ” - bố chồng nói.
Tôi dự định khi con trai đi học, sẽ mua cây trồng ở ban công về cho bố chăm sóc. Chồng tôi cũng đề xuất ông tham gia các hội hưu trí và đăng ký thành viên ở CLB thể dục khu phố cho bố.
Cuối cùng thì chỉ có gia đình hạnh phúc, con cháu quây quần mới xoa dịu nỗi cô đơn của người già. Vì vậy nếu trong nhà có người lớn tuổi, bạn nên quan tâm đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của họ, để gia đình mình hạnh phúc, đầm ấm hơn.
(Nguồn: Baidu)