Hôn nhân cưỡng ép

Ông Trần Viết Long (nay 60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hiệp (nay 56 tuổi) sinh ra, lớn lên cùng một làng. Nhà chỉ cách vài bước chân, lúc còn nhỏ, ông bà vẫn chơi chung, xem nhau như bạn thân.

Lớn lên, ông Long đi nghĩa vụ quân sự. Ở nhà, bà Hiệp trở thành thiếu nữ xinh đẹp, được ví như "hoa khôi" của làng.

Sau 4 năm phục vụ quân đội, ông Long xuất ngũ trở về và vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Biết bà Hiệp chưa chịu ai, ông mạnh dạn đến nhà ngỏ lời yêu thương.

Ngày gặp mặt, ông nói với bà Hiệp rằng nếu bà đồng ý lấy mình, ông sẽ ở lại cùng bà xây dựng gia đình. Còn không, ông sẽ rời quê đi làm ăn xa.

yeu.jpgThời xuân sắc, bà Hiệp được ví như "hoa khôi" của làng. Ảnh cắt từ chương trình

Biết ông Long thật lòng, nhưng bà Hiệp từ chối vì chưa có tình cảm. Tuy nhiên, bố mẹ bà Hiệp lại mong muốn con gái lấy ông Long. Các thành viên khác của gia đình bà cũng nỗ lực gán ghép, thúc giục.

Tại chương trình Tình trăm năm tập 208, bà Hiệp kể: “Bị ép buộc, tôi khóc, nói sẽ không lấy chồng. Nghe vậy bố tôi mang hết quần áo của tôi ra rồi nói: 'Một là con lấy cậu Long, hai là bố chặt hết quần áo'. Không còn cách nào khác, tôi đành gật đầu đồng ý cưới ông ấy, với tâm lý lấy đại cho xong”.

Không có cảm tình với chồng tương lai, mỗi khi ông Long đến nhà, bà Hiệp đều tránh mặt. Thậm chí ngày làm đám hỏi, bà Hiệp cũng trốn trong nhà, không ra tiếp chuyện ông Long cùng họ hàng nhà trai. Chỉ khi gia đình nài ép, bà mới ra chào.

Hôm đám hỏi, trong lúc ngồi cùng gia đình và ông Long, bà Hiệp bất chợt tủi thân. Bà vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, đời con coi như là hết. Con đang được bao nhiêu người yêu quý. Giờ đi lấy chồng xem như là hết”.

Hiểu nỗi buồn của bà, ông Long tìm cách an ủi. Ông nói, sau này bà Hiệp sẽ được mình và hai bên gia đình yêu thương, chăm sóc. Nghe lời động viên, bà Hiệp xúc động, nguôi ngoai, gật đầu đồng ý làm đám cưới với ông.

yeu1.jpgBà đồng ý lấy ông Long làm chồng chỉ vì bị cha mẹ ép buộc. Ảnh chụp lại từ chương trình

Cưới người không yêu, ngày lên xe hoa, bà Hiệp khóc nức nở như trẻ con xa mẹ. Về nhà chồng, bà sợ hãi, ngồi bó gối một góc. Bà sợ đến nỗi không dám thay bộ đồ cưới. 

“Đêm tân hôn, tôi thắp đèn dầu, bắc ghế ngồi trấn ở cửa phòng. Hễ thấy ông ấy vào, tôi lại mở cửa đi ra ngoài đứng. Bố mẹ chồng thấy vậy khuyên tôi vào nghỉ. Tôi vào phòng nhưng vẫn ngồi trên ghế.

Khi ông ấy đến thổi đèn, khuyên đi ngủ sớm, tôi lại ra ngoài đứng. Cứ thế, đêm tân hôn chúng tôi người ngủ, người ngồi cho đến sáng hôm sau.

Sau đó ít hôm, quê tôi có bão lớn. Đêm hôm mưa gió, không còn nơi để chạy, chúng tôi mới có đêm tân hôn đúng nghĩa”, bà kể.

Hạnh phúc bất ngờ

Về chung một nhà, bà Hiệp cố mở lòng nhưng vẫn không có tình cảm, tình yêu thương với ông Long. Bà chỉ bắt đầu rung động khi được ông chăm sóc lúc đau bệnh trong thời điểm mang thai đứa con đầu lòng.

“Lúc tôi mang thai, sinh nở, ông ấy luôn túc trực bên cạnh. Bất kể ngày hay đêm, ông đều tận tình chăm sóc tôi và con. Không chỉ giặt quần áo cho tôi và con, ông ấy còn nấu ăn, quét dọn nhà cửa...”, bà Hiệp tự hào chia sẻ.

yeu2.jpgDẫu vậy, bà vẫn có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ảnh chụp lại từ chương trình

Gia cảnh khó khăn, có thêm con nhỏ, cuộc sống vợ chồng ông Long càng thêm thắt ngặt. Để mưu sinh, nuôi con, ông bà tráng bánh đa quên ngày quên đêm.

Năm 1992, cả hai vay mượn, mua gian nhà tranh ở tạm. Cuộc sống ông bà khó khăn đến nỗi phải ăn mì tôm độn rau muống qua bữa.

Dẫu vậy, ông bà vẫn cần cù, nỗ lực lao động, vươn lên. Sau ít năm, ông bà không chỉ trả hết nợ mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế nhất làng.

Vì lao động cực nhọc, bà Hiệp sút cân, sức khỏe suy kiệt. Ông Long nghe lời người thân đưa bà từ Thanh Hóa vào TPHCM sinh sống, với hy vọng bà bớt cực hơn.

Tại đây, ông bà nuôi heo, nhận rang xay cà phê, làm rượu... Có vốn, ông bà chuyển sang kinh doanh bất động sản. Công việc thuận lợi, sau ít năm cuộc sống ổn định.

yeu3.jpgCuối chương trình, bà không kìm được xúc động khi nghe những lời thư của chồng. Ảnh: Cắt từ chương trình

Sau hơn 30 năm chung sống, dù trong thời điểm khó khăn nhất, vợ chồng ông Long vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Nếu như bà Hiệp luôn tự tìm điểm tốt của chồng để động viên, an ủi bản thân, ông Long lại nhất mực nhường nhịn, tôn trọng vợ.

Cả hai tự tìm cách chấp nhận những điều chưa tốt của nhau và dung hòa mọi sự khác biệt về tính cách để có hôn nhân hạnh phúc. Với bà Hiệp, ông Long là người chồng, người cha mẫu mực và không cần phải thay đổi bất cứ điều gì.

Trong khi đó, ông Long khẳng định bà Hiệp là người vợ đảm đang, hết lòng vì chồng con, gia đình. Ông chỉ mong thời gian sau này, bà Hiệp không ham công tiếc việc, dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Cuối chương trình, ông Long gửi đến vợ lá thư tay đầy xúc động. Nghe lời thư tha thiết, bà Hiệp không kiềm được những giọt nước mắt hạnh phúc.

Bà tâm sự: “Tôi thật sự xúc động. Từ ngày cưới đến bây giờ, ông xã chỉ dành cho tôi tình yêu thầm lặng. Hôm nay, ông ấy thổ lộ như vậy, tôi càng hiểu hơn tâm tư, tình cảm của chồng".

dam-cuoi-ava.jpg?width=150Yêu
Trong hôn lễ, chú rể hạnh phúc ngập tràn, cô dâu đau khổ vì bị ép cưới

Theo VietNamnet

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022