Núi Thị Vải - một vùng đất huyền bí nằm trong lòng thiên nhiên tươi đẹp của thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, TP. Vũng Tàu. Với đỉnh núi cao đầy sương mù, cây cỏ xanh tươi và không khí trong lành, nơi đây trở thành chốn tu tập của nhiều vị tu sĩ.
Đường lên Cửa Trời trên núi Thị Vải với khoảng 1340 nghìn bậc thềm đá rêu phong cùng sự hoang sơ của rừng già. @phuot3mien
Chính vì sự yên bình và tĩnh lặng ẩn sau từng màn sương mù, nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng để tìm kiếm sự kết nối với thiên nhiên và tinh thần. Những bí mật của núi Thị Vải được thời gian và truyền thuyết bao phủ, càng khiến sự bí ẩn trở nên lôi cuốn.
Đỉnh núi Thị Vải ẩn chứa nhiều câu chuyện đáng nhớ và linh thiêng, trong đó có nhiều màu sắc huyền bí gắn liền với hai vị sư bà Lê Thị (thường gọi Bà Vải) và sư cô Lê Thị Huệ (nguyên mẫu của nhân vật bạn bác Hồ trong tác phẩm Búp sen xanh của cố nhà văn Sơn Tùng).
Núi Thị Vải cao 700m so với mực nước biển, quãng đường lên đỉnh núi ngoằn nghoèo với bậc thang đá tam cấp trải dài 3km.
Tên núi Thị Vải - từ đâu mà có?
Núi Thị Vải, trước kia có tên gọi là Nữ Tăng sơn, tục danh gọi núi Bà Vải, địa phận huyện Long Thành. Tài liệu tại chùa Linh Sơn Bửu Thiền ghi rằng bà Lê Thị Nữ, tức Ni sư Diệu Thiện là người đầu tiên mở am tu hành trên núi. Năm 1802, bà mộng thấy vua lạc đường xuống núi cứu được Nguyễn Ánh khỏi nạn truy lùng của quân Tây Sơn.
@quocnam19
Sau khi lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long đã sắc phong cho ni sư Diệu Thiện là Linh Sơn thánh mẫu và cho trùng tu lại thảo am - nơi ẩn tu của ni sư, đồng thời đặt tên Sắc Tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Núi Nữ Tăng tục gọi là núi Bà Vãi (tức Thị Vải) cách huyện Long Thành 42 dặm (1 dặm tương đương 500m) về phía Đông Nam, đất đá lởm chởm, cây cối to cao, đứng ở tỉnh Gia Định (TP. Hồ Chí Minh) mà trông thấy như hạt ngọc thô đẹp, mối lợi của núi dồi dào, dân nhờ để sống. Ngày trước có Bà Vải, tục danh là Lệ Thị dựng am trên núi để ở".
Nhà sư dựng am cho các nhà sư nữ tu tập trên núi nên gọi là núi Nữ Tăng. Cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng đề rằng: "Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Nhưng không lâu sau, người chồng lại chết, bà thề không tái giá.
Kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu bà. Bà bèn lập cái am trên đỉnh núi rồi cạo đầu tự làm thầy Cả, cùng đồng bộc giữ lòng tu trì, sau được thành chính quả, nên người ta lấy tên bà đặt làm tên núi".
Sư bà Thị Vải được người dân vô cùng kính trọng vì có công với vùng đất này, nên nơi đây được đặt tên thành núi Thị Vải và sông Thị Vải.
Núi Thị Vải là nơi linh thiêng nhiều bạn trẻ tìm đến chiêm bái, ngắm cảnh. @leehoangduc, @mia
Theo trụ trì Thích Pháp Huệ của Linh Sơn Bửu Thiền, sư bà ẩn tu, không xuống núi, lúc bà mất cũng chẳng ai biết bà mất ở hang đá hay gốc cây nào. Cho nên, các đệ tử đành lập ngôi mộ gió để phụng thờ sư bà trên lưng chừng núi.
Núi Thị Vải có ba ngôi chùa chính: Chùa Liên Trì ở chân núi, chùa Hồng Phúc ở lưng chừng núi (còn gọi là chùa Trung) và chùa Thượng trên đỉnh núi (còn gọi chùa Tổ hay Linh Sơn Bửu Thiền). Ngoài ra, xưa kia nơi này còn có các am cốc của chư tăng. Đó là những hang đá nhỏ, mỗi hang có vẻ đẹp hoang sơ riêng. Điện thờ tại Linh Sơn Bửu Thiền đều bài trí đơn giản, trang nghiêm và thanh tịnh.
Linh Sơn Bửu Thiền tự là nơi được nhiều người tìm về chiêm bái, thăm thú quanh năm bởi cảnh trí an nhiên, không khí trong lành và nhiều câu chuyện hấp dẫn, đặc biệt là sự bí ẩn của hai vị sư bà. @quocnam19
Chùa Thượng trên đỉnh núi lấp ló sau những rặng cây. Những năm qua, chùa cũng được trùng tu ngày càng khang trang, tố hảo. Phía bên phải chùa cũng có hồ sen lác đác với tượng Phật đản sinh giữa mây trời.
Út Huệ - người bạn của Bác Hồ trong "Búp sen xanh"
Ngoài sư bà Thị Vải, sư bà Lê Thị Huệ - bạn Bác Hồ trong tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng cũng là nhân vật bí ẩn đến tu tập tại núi Thị Vải.
Linh Sơn Bửu Thiền được xây dựng theo phong cách Nhật Bản với nhiều góc check-in được nhiều người trẻ ưa thích. @mia
Theo thông tin chia sẻ từ trụ trì Thích Pháp Huệ, nhà văn Sơn Tùng đã nhiều lần đến núi Thị Vải xin gặp sư bà Lê Thị Huệ để xin tư liệu viết tác phẩm Búp sen xanh. Trong tác phẩm Búp sen xanh đã miêu tả chi tiết sự kiện Út Huệ tiễn Bác Hồ đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng. Sau đó, Út Huệ đã lên núi Thị Vải tu hành cho đến lúc qua đời vào những năm 1980.
@trannguyenanh
Cũng trùng hợp với sự bí ẩn của sư bà Thị Vải, khi sư bà Lê Thị Huệ mất thì đến nay không ai biết mộ phần sư bà ở đâu, cũng như bà đã mất như thế nào và ai là người đã chôn cất bà. Hiện nay, trên đỉnh Thị Vải có một ngôi mộ nằm gần mộ gió của sư tổ Thị Vải. Ngôi mộ khiêm nhường, đơn sơ phía trước có một búp sen nhưng ghi tên "Tu sĩ Nguyễn Thị Huệ".
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt ra nghi vấn liệu đây có phải là nơi an nghỉ của sư bà Lê Thị Huệ nhưng cũng không có cơ sở khẳng định điều này. Mặc dù đây đều là những câu chuyện mang tính truyền thuyết và huyền tích nhưng dẫu sao cũng đã tăng thêm sự bí ẩn và thu hút sự quan tâm của du khách tới sự linh thiêng của núi Thị Vải.
Núi Thị Vải ngày nay là địa điểm lý tưởng được nhiều người trẻ chọn để thực hiện các hoạt động dã ngoại như đi bộ đường dài, leo núi, cắm trại,... Và khi tạm rời xa xô bồ, ồn ào của phố thị, người ta trở về với không khí trong lành trên đỉnh Thị Vải, ai nấy đều tần ngần khi nghe kể chuyện về hai sư bà ẩn tu trên đỉnh non thiêng này.