135 ca mắc tay chân miệng trong một tuần ghi nhận rải rác ở các quận, huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì. CDC Hà Nội đánh giá, hầu hết là bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng số ca mắc lớn hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cũng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo báo cáo trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện này tiếp nhận 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

photo-1-1656824750779614525700.jpg

Tăng mạnh bệnh nhi mắc tay chân miệng, những lưu ý bố mẹ tuyệt đối không chủ quan (Ảnh minh họa)

Theo Ths. BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được khám, điều trị và theo dõi sát để có thể kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh nặng. Bệnh có thể biểu hiện thể nhẹ dưới dạng tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc ở những thể nặng như tổn thương thần kinh với những biểu hiện như li bì, giật mình, yếu liệt chi. Thậm chí rất nặng như tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn với biểu hiện khó thở, phù phổi cấp.

Nguy hiểm hơn, BS Quý cảnh báo, nếu chăm sóc điều trị tại nhà không đúng cách hoặc trường hợp trẻ sốt cao kéo dài và nôn nhiều thì sẽ có nguy cơ biến chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Theo đó, có 3 dấu hiệu này, bạn cần nghĩ con mình có thể đã mắc tay chân miệng. Cụ thể:

Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.

Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục. Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng.Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường.

Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao.

photo-1-16568247555771498249585.jpg

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Các triệu chứng nặng bao gồm: Sốt cao liên tục không thể hạ được; trẻ giật mình; mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng…

Theo ThS, BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Tay chân miệng chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có. Đối với những trường hợp nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần...

Mặc dù tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ.

Theo ThS, BS Lê Phan Kim Thoa, một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng càng ủ trẻ, hạn chế tắm rửa để trẻ ra ban càng nhiều thì sẽ càng mau lành.

Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai bởi vì nếu ủ trẻ nhiều quá trẻ sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo. Trong khi chăm sóc trẻ tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban thoáng sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo.

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ mắc tay chân miệng cần được vệ sinh sạch sẽ và giữ các vết lở loét ở trạng thái thoáng khí. Nên để con chơi trong phòng sạch sẽ, thoáng mát.

Sau khoảng 7 - 10 ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng, các nốt mụn nước sẽ vỡ ra và dần khô lại. Khi đó, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ bằng nước ấm để làm sạch các loại vi khuẩn có hại trên da và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.

Khi tắm cho con, bố mẹ không được chà xát mạnh lên da trẻ mà chỉ cần lau rửa sạch sẽ cơ thể của con bằng các loại xà phòng sát khuẩn do bác sĩ chuyên khoa Nhi tư vấn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022