Smartphone hay các thiết bị điện tử không còn xa lạ với giới trẻ. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều, thậm chí nghiện điện thoại có thể khiến trẻ mắc nhiều vấn đề về tâm lý. Năm 2020, hai nghiên cứu được công bố trên trên tạp chí JAMA Pediatrics, cho thấy trẻ em từ 1-3 tuổi tại Mỹ và từ 2-3 tuổi tại Canada đều không đáp ứng được các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc sử dụng thiết bị điện tử.

"Nghiện" thiết bị điện tử khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về tập trung, thị lực, giấc ngủ. Các nội dung trên mạng nếu không được kiểm duyệt có thể khiến trẻ trở nên tự ti, học theo trào lưu xấu xí, nguy hiểm.

Ai cũng biết tác hại là thế, tuy nhiên, chị Đỗ Thị Bích Thủy - một phụ huynh ở TP.HCM, mẹ của cậu bé Phúc Nguyên 4 tuổi lại quyết định không cấm con dùng điện thoại, tivi. Quan điểm có vẻ "ngược đời" của chị Thủy nghe qua có vẻ khó đồng tình, nhưng bà mẹ này không phải không có lý do của riêng mình. 

3376699975522119868950564191074351612000227n-16803424853181170525002-1680621222584-1680621222780727602389.jpg

Chị Thủy và con trai.

Chị Thủy cho biết, bản thân chị vẫn dùng điện thoại, xem tivi trước mặt con và sử dụng hàng ngày. Sẽ rất khó để cấm con làm điều tương tự. Bên cạnh đó, nếu trẻ đã tò mò thì dù có cấm ngặt trong nhà thì khi ra môi trường ngoài, trẻ vẫn có nhiều cơ hội để bị thu hút bởi các thiết bị điện thoại, iPad từ bạn bè… 

Nếu trẻ thấy cha mẹ vẫn dùng điện thoại, chơi game... mà mình không được dùng, dễ sinh ra phản ứng khó chịu, bực bội. Nhất là khi đứa trẻ chỉ bị cấm mà chưa được giải thích rõ ràng vì sao lại không được sử dụng.

"Trên thực tế, đôi khi chính người lớn lại lạm dụng smartphone nhiều hơn trẻ con, thậm chí trông con nhưng mắt vẫn không rời điện thoại, lấy điện thoại để cho con ngồi yên một chỗ, để con ăn được thêm miếng cơm, miếng cháo. Bố mẹ lướt TikTok, Facebook, YouTube để giải trí, với lý do sau một ngày dài đi làm giờ muốn được nghỉ ngơi. Vì thế, muốn điều chỉnh lại những hành vi của trẻ, chính cha mẹ phải tự điều chỉnh lại mình trước nhằm tạo dựng môi trường tốt để dạy trẻ", chị Thủy nêu quan điểm.

Đây là những cách chị Thủy sử dụng để điều chỉnh lại hành vi của mình:

Thứ nhất, chị không sử dụng điện thoại để chơi game và không cài đặt bất kỳ một game nào trên điện thoại. Chị cũng không cài và lướt TikTok trên điện thoại, vì lo ngại các video nhanh, ngắn sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung sau này của con.

Thứ hai, khi sử dụng điện thoại có con bên cạnh, chị sẽ giải thích với con, lý do vì sao mẹ sử dụng điện thoại, như mẹ giải quyết công việc hay mẹ học bài, mẹ gọi điện thoại cho bà, cho người thân, mẹ sẽ sử dụng trong bao lâu. Hết thời gian sử dụng, chị đặt điện thoại sang một bên. Bố mẹ cũng cần giữ chữ tín với con, thể hiện sự tôn trọng với con, đây là cách bố mẹ làm gương cho con.

Thứ ba, chị có thể dùng điện thoại để giải trí nhưng thường là lúc con ngủ hoặc khi con không nhìn thấy.

Nếu cho con coi điện thoại, ti vi, chị sẽ tạo môi trường tốt cho con bằng cách đặt ra cho con những câu hỏi như: Con coi điện thoại với ai? Hay coi một mình? Con coi trong thời gian bao lâu? Con sẽ coi nội dung gì? Bằng cách đặt những câu hỏi như vậy, chị dễ biết việc mình cần làm hơn là cấm đoán con.

Nếu con xem với cha mẹ, ông bà..., người lớn cần điều chỉnh lại những nội dung mình đang xem như: Không coi những gì đánh đấm, văng tục chửi thề. Nếu con xem một mình, chị sẽ căn thời gian như: Con xem trong 15 phút thôi và thường cài báo thức trên điện thoại. Sau 15 phút, con sẽ trả lại điện thoại cho mẹ. 

Gần hết giờ, chị sẽ tiến lại chỗ con, nhắc nhẹ: “Con ơi! Còn ít phút nữa là trả điện thoại cho mẹ rồi nha”; Nếu đến giờ con chưa trả, khóc bù lu bù loa, chị sẽ nói: “Hết giờ rồi con! Con là người biết giữ chữ tín mà. Mẹ lấy nha!". Miệng nói tay cầm điện thoại. Con có khóc, có khó chịu thì đấy cũng là chuyện tự nhiên. Điều quan trọng là cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách nhắc nhở những lần đầu tiên. 

Nội dung con xem luôn được chị để ý tới, cái nào nội dung không lành mạnh, chị sẽ xóa trong lịch sử xem, và giải thích cho con hiểu nên xem cái gì. Chị hướng con đến với thế giới internet để thu nạp những tri thức hay thông tin hiện đại. Thời gian giải thích sẽ giúp con sau này biết lựa chọn, định hướng thông tin để coi khi không có bố mẹ ở bên.

Đồng thời, bà mẹ này không quên trang bị cho con những kỹ năng an toàn trên internet như cái gì thì nên chia sẻ hay không nên chia sẻ trên internet; không nhắn tin với người lạ; nói với con về những vấn đề như bắt nạt trên mạng hay những câu chuyện không có lợi cho bản thân mình và người khác.

"Ở nhà mình, con muốn coi điện thoại, tivi phải xin phép người lớn như ông bà, bố mẹ và có được sự đồng ý con mới được sử dụng. Nên mình hướng dẫn con hỏi bà như: “Bà ơi! Con mượn iPad của bà có được không?” khi mẹ không có mặt.

Mình nghĩ cấm không phải là biện pháp tối ưu. Tốt nhất, nên cho con sử dụng trong thời lượng hạn chế. Trước hết và quan trọng nhất bố mẹ cần điều chỉnh lại hành vi của mình. Thứ hai đồng hành cùng con trong việc coi ti vi, điện thoại trên tinh thần vui vẻ, tôn trọng và có sự kiểm soát về thời gian coi, nội dung coi", chị Thủy nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022