Thời buổi tưởng như dân mạng sẽ chẳng quan tâm đến thứ gì khác ngoài dịch bệnh, nhưng không! Mới đây, mạng xã hội đã lan truyền tấm ảnh hết sức lạ về một ao nước tại Nam Cực. Lý do tấm ảnh được quan tâm thì chỉ cần nhìn là thấy: Nó có màu tím!

Scott Hotaling - sinh viên chương trình tiến sĩ tại ĐH Bang Washington, đang thực hiện nghiên cứu thực địa tại Nam Cực nhằm tìm hiểu về tập tính sinh học của loài côn trùng lớn bậc nhất châu lục này. Nhưng trong quá trình làm việc, Hotaling đã bắt gặp chiếc ao với sắc tím hết sức kỳ lạ, tọa lạc trên hòn đảo đá Humble.

extralarge-1583984430-cover-image-15845002176361802157228.jpg

Chiếc hồ nước lạ do Hotaling chia sẻ

Hotaling cho biết, ao nước nằm gần trạm Palmer, rất sát biển, cao hơn mực nước biển khoảng 5m và khá nông. Nhưng tại sao màu nước lại kỳ lạ như vậy? Hotaling không biết, và để có câu trả lời, anh quyết định... lên Twitter và hỏi các đồng nghiiệp trong ngày. 

Được biết, hòn đảo Humble được xem là môi trường sống tự nhiên hết sức quan trọng của một số loài chim cánh cụt. Hotaling phỏng đoán, màu sắc này nhiều khả năng là do tổ chim gần đó gây nên. Dẫu vậy, một số nhà khoa học khác thì tin rằng có thể nguyên nhân là do vi khuẩn bùng nổ. 

"Dựa trên sắc tím của vi khuẩn, tôi dám chắc đây là loại khuẩn tiến hóa để quang hợp không cần oxy. Nếu quanh đó không có mùi trứng thối (khí hydro sulfua), thì chúng có thể phát triển bằng ánh sáng từ các nguồn năng lượng xung quanh," - Michael Madigan, nhà vi sinh vật học chia sẻ. Tuy nhiên, Hotaling sau đó đã đưa thêm dữ kiện là cái ao không có mùi quá kinh khủng - ít nhất là theo những gì đội nghiên cứu của anh cảm nhận sau khi so sánh với đàn hải tượng đang nằm gần đó.

Stefano Amalfitano - chuyên gia sinh thái học đại dương thì nhận định chiếc hồ là một ví dụ thú vị về sự phát triển mạnh của các loài vi khuẩn có khả năng nhuộm màu tại Nam Cực. Một số loài có thể kể đến như Halobacterium halobium, Dunaliella salina, hoặc Rhodocylcus purpureus.

Nguyên nhân vì sao chiếc ao có màu sắc như vậy vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên về mặt tích cực, Hotaling cho rằng mạng xã hội đang là công cụ hết sức tuyệt vời để cộng đồng khoa học trao đổi cùng nhau.

"Twitter thực sự là nơi rất tuyệt. Chúng tôi thấy một thứ thú vị, chia sẻ nó lên và thu được rất nhiều kiến thức "xịn". Dĩ nhiên là cũng có hiệu ứng xấu, nhưng ở trải nghiệm của tôi thì toàn là tích cực." - Hotaling nhận xét.

Nhiều nhà khoa học đã lên Twitter với mong muốn có được một mẫu nghiên cứu, nhưng Hotaling cho biết anh hiện chưa có kế hoạch tiếp tục tìm hiểu thêm về chiếc ao này. Bởi lẽ, giấy phép nghiên cứu họ đang có không cho phép thu thập mẫu vật.

"Chủ yếu tôi muốn chia sẻ ở đây, với mong muốn cộng đồng khoa học có thể lập ra nghiên cứu riêng về chiếc ao này, hoặc các môi trường tương tự ở nơi khác!' 

Tham khảo: IFL Science, MSN

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022