Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao thuộc địa phận Vườn Quốc gia Phja Oắc, Phja Đén, từ bao đời đã được rừng già bao bọc, bảo vệ. Những ngày này, du khách ghé thăm bản làng như được đắm chìm trong không gian huyền ảo, bồng bềnh của sương mù. Điểm xuyết trong đó là không khí tưng bừng, rộn ràng sắc xuân đang lan tỏa trên khắp bản làng. Người người đón Tết, nhà nhà đón Tết, từ người già đến trẻ nhỏ đều thường trực nụ cười tươi vui. Tất cả tạo nên một bức tranh xuân vô cùng ấm áp, lung linh và rực rỡ sắc màu.

photo-7-1675061323353188648210.jpg

Không khí nhộn nhịp những ngày giáp Tết

Khoảng 28, 29 Tết, từ đầu ngõ, du khách đã nghe thấy những âm thanh thân thuộc, rộn ràng của các ông, các bố thịt lợn, các bà, các mẹ rửa lá, gói bánh chưng tiếng hòa quyện với tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống…

Trước Tết cả tháng, các gia đình trong xóm đã chuẩn bị lợn Tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều lên rừng lấy nhiều củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy được lâu, nhiều nhiệt. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm.

photo-6-1675061320297693784744.jpg

Chị em phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện đón Tết

Chị Lý Thị Vân, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành cho biết: "Công việc dọn dẹp, chuẩn bị đón Tết được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Chị em phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện đón Tết. Còn cánh đàn ông làm hết mọi việc từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm chuẩn bị thực phẩm cho gia đình".

Những người đàn ông còn đảm nhiệm nhiệm vụ vệ sinh nhà cửa, ban thờ, dán giấy đỏ với quan niệm vứt bỏ hết những điều không tốt trong năm cũ và đón chào những vận may sắp tới. Chị em rủ nhau gói bánh chưng lưng gù và bánh gai. Đây là loại bánh ông bà truyền lại và không thể thiếu để dâng lên tổ tiên dịp Tết Nguyên Đán. Gói bánh chưng còn là dịp để cả đại gia đình quây quần. Những chiếc bánh chưng lưng gù đầy đặn thay lời cầu mong một năm mới đầy đủ, may mắn của bà con.

photo-5-1675061317331230719050.jpg

Gia chủ chuẩn bị giấy đỏ trang trí nhà chào đón năm mới

"Ngày 30 Tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cúng gồm 1 con gà, 2 đôi bánh lưng gù, 1 đôi bánh gai, 4 bát bún, 4 ly rượu, 1 chén nước thắp hương lên bàn thờ trình báo với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới sức khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Người Dao Tiền còn có tục 'cúng nhà ngoại' vào ngày mồng 4 Tết, tức những gia chủ có bố, mẹ vợ đã mất thì để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ mình", anh Chu Khánh Tuấn, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành chia sẻ.

photo-4-16750613142831783787805.jpg

Người đàn ông được giao trọng trách thực hiện lễ cúng tổ tiên ngày 30 Tết

Bữa cơm trong đêm giao thừa được coi là ấm cúng nhất trong năm, có đầy đủ các thành viên trong gia đình và tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau khi ăn cơm xong, cả nhà lại quây quần bên bếp lửa, cùng nhau ôn lại những câu chuyện của năm cũ, người lớn tuổi kể cho các con cháu những điều hay lẽ phải, các câu truyện về nguồn cội dân tộc và hát những bài hát Páo Dung truyền thống đón xuân, đón chờ khoảnh khắc đặc biệt nhất trong năm.

photo-3-16750613113151678517651.jpg

Mâm cơm tất niên sum vầy của người Dao Tiền

Tết với người Dao còn là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp. Họ quan niệm công cụ lao động cũng giống như những người bạn gắn kết với gia đình mình, vì thế, bà con tắm rửa cho nông cụ, vệ sinh chuồng nuôi, dán giấy đỏ biểu trưng cho việc thay áo mới. Con người được ăn tết vui chơi, vật nuôi cũng vậy. Trước đây, gia chủ còn gói bánh chưng bằng thóc cho gà, bằng cám cho lợn, trâu ăn Tết, hiện nay, đời sống đã ấm no hơn, bà con gói thêm vài đôi bánh chưng để mời kho thóc, vật nuôi như một sự tri ân, tôn trọng những "người bạn" trong lao động, sản xuất đã giúp họ làm nương, làm vườn, sản xuất, bảo quản lương thực, thực phẩm cho gia đình.

photo-2-1675061308301707502027.jpg

Gia chủ dán giấy đỏ vào cửa chuồng và gói bánh chưng lưng gù cho vật nuôi ăn

Sáng sớm mùng 1 Tết, gia chủ sẽ dạy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây. Gia chủ sẽ thắp hương bên giếng, khe suối với những lời khấn tạ ơn "các thần" đã ban cho nước uống cho gia đình trong suốt thời gian qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Điều này thể hiện rất rõ quan niệm, mọi vật đều có thần linh ngự trị của đồng bào Dao.

photo-1-16750613039332037173280.jpg

Sáng mùng 1 Tết, gia chủ còn chuẩn bị cành đào hoặc cành mận cắm hai bên cửa nhà để tô điểm cho không gian ngày Tết của gia đình thêm ấm cúng, vui tươi; cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình

Người Dao Tiền nơi đây dành cả dịp Tết để vui chơi, đến nhà nhau thăm hỏi chúc Tết. Khoảng ngày mùng 6 Tết, cả làng tổ chức cúng thổ công, bắt đầu "khai quang", tức buổi đi làm đầu tiên, ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát đạt trong cả năm.

Mùa xuân của người Dao Tiền xóm Hoài Khao trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã của các chàng trai cô gái. Tất cả mọi người từ già đến trẻ đều diện trang phục truyền thống đi chơi tết, cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian, những làn điệu Páo Dung say đắm lòng người. Đó là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022