Giữa những ngày Thu yên ả, nhà thơ Trần Quang Quý lặng lẽ ra đi sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng nói: “Trần Quang Quý là một nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca. Càng bệnh nặng ông càng viết. Thơ ca đã giữ ông ở lại thế gian này lâu hơn chúng ta nghĩ. Và, những bài thơ của ông sẽ sống lâu hơn cuộc đời ông.”
Với những người bạn văn chương của nhà thơ Trần Quang Quý, ông không chỉ là một người đã sống với thơ đến hơi thở cuối cùng mà còn là một nhân cách đáng trân trọng.
‘Một nhà thơ luôn cựa quậy’
Đó là chữ của nhà phê bình Ngô Văn Giá khi nói về nhà thơ Trần Quang Quý.
“Anh Quý là người luôn trăn trở, luôn muốn đổi mới chính mình và cũng mong cầu sự đổi mới của nền thơ ca nói chung,” nhà phê bình Ngô Văn Giá nói.
Dõi theo chặng đường thơ Trần Quang Quý, ông Ngô Văn Giá cho rằng có thể chia làm 3 giai đoạn. Những năm đầu tiên, nhà thơ viết theo lối truyền thống, tình tứ, trong trẻo, có thể thấy trong những bài viết về tình yêu, về Huế, về mẹ…
Giai đoạn hai là khoảng 1990-2000, nhà thơ có sự đổi mới về tư duy, câu chữ và cách biểu đạt cảm xúc. Đây cũng là giai đoạn ông cho ra đời những tập thơ “Màu tự do của đất,” “Giấc mơ hình chiếc thớt”, “Siêu thị mặt”… mang lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhà thơ lại sáng tạo mãnh liệt trong thể thơ “năm câu” và “lôi kéo” được một số nhà thơ đi theo lối viết này, tạo nên một phong trảo mới mẻ.
“Chúng ta biết là ở Nhật Bản có thể thơ haiku gồm những câu rất ngắn, cả bài chỉ có 17 âm tiết. Ở Việt Nam thì có Trần Quang Quý ‘đầu trò’ của thể thơ năm câu rất thú vị, thể hiện khát vọng muốn thoát khỏi những cái cũ của chính mình và của người khác,” ông Ngô Văn Giá nói.
[Giới văn nghệ nhận nhiều tin buồn cùng lúc vào ngày Rằm tháng Tám]
Ông Giá cho rằng tinh thần đó đặc biệt đáng quý bởi người nghệ sỹ luôn cần sự đổi mới bản thân để từ đó tác động đến đời sống văn học nghệ thuật nói chung.
Đồng tình với nhận xét đó, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương cho rằng Trần Quang Quý là một trong những nhà thơ có tầm ảnh hưởng quan trọng trong nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.
“Thơ anh luôn ngổn ngang với thế sự, với sự sáng tạo, tìm tòi. Thơ anh chống lại sự sáo mòn của câu chữ với sự đa chiều của tầng tầng lớp lớp ngôn ngữ hiện sinh: ‘Nỗi buồn trong cấu trúc cô đơn/ Chiếc ngoặc mong manh gông cùm phận chữ’ hay ‘Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt/ Những mắt lưới gài bẫy trong veo/ Biển mỗi ngày vẫn sóng’,” nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương chia sẻ.
Yêu thơ đến giây phút cuối cùng
Là một người em thân thiết nhiều năm với nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương khẳng định rằng Trần Quang Quý đã dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca, tiếc rằng ông đã vội "Bay lên những giấc mơ" để về miền mây trắng giữa lúc còn đang sung sức trong sáng tạo nghệ thuật.
“Ngay trong những ngày bạo bệnh, anh còn kịp ra mắt độc giả tác phẩm thơ ‘Những sắc màu đa thức’ do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Dường như thi ca là dòng máu sôi trào trong anh từ thuở thanh niên tới giây phút cuối cùng. Người thơ có thể ra đi, xác thân tan vào cát bụi nhưng thơ ca của anh sẽ còn ở lại với nhân gian này,” Đặng Thị Thanh Hương ngậm ngùi.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Phó Ban nhà văn trẻ, Hội nhà văn Việt Nam) xác nhận trong suốt những năm điều trị bệnh, nhà thơ Trần Quang Quý vẫn viết thường xuyên với một nghị lực đáng nể.
“Tôi làm sao quên được hình ảnh gần những ngày cuối, ông nằm trên giường bệnh giơ tập thơ mới lên ký để gửi tặng bạn bè,” nhà thơ Quang Hưng nói.
Trong mắt các đồng nghiệp, nhà thơ Trần Quang Quý là một nhà thơ luôn trẻ bởi ông tích cực “trẻ hóa” thơ mình và thường xuyên lưu tâm đến các nhà thơ trẻ.
Hơn 10 năm trước, nhà thơ Trần Quang Quý có thời gian tham gia công tác Hội nhà văn Việt Nam với vai trò ủy viên Ban nhà văn trẻ. Ông thường xuyên quan tâm đến lớp đàn em, đặc biệt là hoạt động sân thơ trẻ hàng năm ở Văn Miếu.
“Ông lưu tâm đến lớp người cầm bút trẻ với, thường xuyên tham gia giao lưu, góp ý với tư cách đồng nghiệp. Trong thời gian tổ chức trang thơ cho Báo Lao động cuối tuần, ông thường giới thiệu nhiều chùm thơ của các tác giả trẻ,” nhà thơ Quang Hưng cho hay.
Riêng với nhà thơ Lữ Mai, chị từng nhận được sự chỉ bảo tận tình từ nhà thơ Trần Quang Quý khi còn là một sinh viên tham gia sân thơ trẻ ở Văn Miếu.
“Với các nhà thơ trẻ, ông luôn dành sự ưu ái, hỗ trợ cao nhất để họ có cơ hội xuất hiện ở các báo, tạp chí và bất cứ nơi nào có không gian cho thơ ca. Với tôi, ông là thế hệ đàn anh đáng trân trọng. Tôi tìm thấy sự sẻ chia rất lớn về tinh thần ở thơ ông và cá tính của ông,” Lữ Mai chia sẻ./.
Trần Quang Quý (1955-2002) viết nhiều và có những tác phẩm ghi dấu ấn trong làng thơ Việt Nam như: “Viết tặng em trong ngôi nhà chật,” “Mắt thẳm,” “Giấc mơ hình chiếc thớt,” “Siêu thị mặt,” “Cánh đồng người” (thơ song ngữ).... Bên cạnh sáng tác thơ, Trần Quang Quý cũng viết kịch bản phim truyện và truyện ngắn. Những tác phẩm nổi bật ở hai thể loại này có thể kể đến: “Lời sám hối muộn mằn” (phim truyện), “Chị Châu” (phim truyện), “Bờ sông Trăng sáng” (truyện ngắn), “Bay lên những giấc mơ” (bút ký, 2017).... Trần Quang Quý ba lần nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam: Năm 2004 với tác phẩm “Giấc mơ hình chiếc thớt,” năm 2012 với "Màu tự do của đất” và năm 2019 với tập thơ “Nguồn.” |