"Niềng răng thay đổi cuộc đời" hẳn là câu nói mà bất cứ ai có vấn đề về răng miệng đều biết đến. Ngoài thay đổi cấu trúc răng, niềng răng sẽ giúp khắc phục tình trạng khớp cắn lệch, cải thiện hình dáng khuôn mặt cân đối hơn. Bởi vậy, tuy đau mà đáng, niềng răng sẽ giúp bạn "một bước lên mây", tự tin cười rạng rỡ. Hiện nay, có 3 phương pháp niềng mà mọi người thường chọn để sử dụng: niềng mắc cài kim loại, niềng mắc cài pha lê và niềng trong suốt (Invisalign).
Niềng mắc cài kim loại
Đây là phương pháp sử dụng mắc cài kim loại gắn lên răng kết hợp với dây cung và các dụng cụ chỉnh nha khác để chân răng dịch chuyển về vị trí như mong muốn. Niềng mắc cài kim loại được chia làm 2 loại: mắc kim loại thường và mắc kim loại tự động.
Với mắc kim loại thường thì sau khi gắn mắc cài lên răng, bác sĩ sẽ đưa dây cung vào các mắc cài và cố định lại bằng dây buộc chuyên dụng. Sau đó, mắc cài và dây cung sẽ tác động một lực phù hợp đến chân răng, giúp răng dịch chuyển đúng theo khuôn đã định sẵn. Các chun buộc này sau một thời gian sẽ bị rộng ra nên cứ sau khoảng 3 - 4 tuần, bạn phải đến nha khoa để thay chun mới.
Với mắc cài kim loại tự động, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thay vì chun buộc, phương pháp này sẽ sử dụng các chốt tự động giúp cố định dây cung trong rãnh mắc cài. Nhờ vậy, lực kéo ổn định, gần như không có tác nhân ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến tiến độ di chuyển của răng, giúp đảm bảo đạt hiệu quả niềng răng theo đúng dự liệu của bác sĩ. Sau từ 4 - 6 tuần, bạn sẽ đến nha khoa để bác sĩ siết lại dây cung.
Chi phí cho gắn mắc cài kim loại là nhỏ nhất trong 3 loại, chỉ từ 25 - 35 triệu đồng. Do sử dụng rất nhiều dụng cụ trong quá trình chỉnh nha nên đây được coi là phương pháp hiệu quả và tốn ít thời gian nhất. Với các ca nặng, thời gian đeo niềng kéo dài từ 3 - 5 năm, còn các ca nhẹ hơn thời gian có thể chỉ từ 12 - 18 tháng.
- Ưu điểm:
+ Chi phí thấp nhất trong 3 loại.
+ Lực kéo mạnh nên thời gian điều trị được rút ngắn xuống.
+ Không đòi hỏi công nghệ hỗ trợ cao.
+ Áp dụng được cho cả các ca nặng.
- Nhược điểm:
+ Kém thẩm mỹ.
+ Có thể làm tổn thương các mô mềm trong khoang miệng.
+ Khiến một số người bị dị ứng.
+ Đau nhất trong 3 phương pháp niềng.
Niềng mắc cài pha lê
Phương pháp này khá giống với niềng mắc cài kim loại phía trên, nhưng sử dụng mắc cài được làm bằng pha lê trong suốt, không màu gắn trực tiếp trên răng. Dây cung được gắn trực tiếp trên rãnh mắc cài sẽ tạo ra lực kéo để điều chỉnh và siết răng về đều và đúng vị trí mong muốn.
Ảnh: JW Korea Plastic Hospital
Trung bình, thời gian niềng pha lê kéo dài từ 1 - 3 năm, tùy vào độ tuổi và tính phức tạp của từng ca. Chi phí của phương pháp này có phần nhỉnh hơn niềng kim loại một chút, rơi vào khoảng 35 - 40 triệu đồng.
- Ưu điểm:
+ Tính thẩm mỹ cao.
+ Chất liệu thân thiện với sức khỏe nên khá an toàn.
- Nhược điểm:
+ Thời gian niềng lâu hơn.
+ Chất liệu pha lê dễ vỡ và xỉn màu.
Niềng trong suốt Invisalign
Niềng trong suốt được coi là phương pháp niềng hiện đại nhất hiện nay. Để bảo đảm tính thẩm mỹ niềng như không niềng, bác sĩ sẽ dùng khay niềng bằng nhựa chất lượng cao trong suốt để điều chỉnh răng. Khay nhựa này có thể tháo rời và được căn chỉnh hình dáng khớp với răng trước khi niềng của bạn.
Bác sĩ sẽ giao toàn bộ hoặc một phần khay Invisalign cho bạn và hướng dẫn bạn cách mang khay. Trong một số trường hợp, răng của bạn còn cần gắn attachment để khay niềng bám vào nhằm đạt kết quả tốt hơn. Định kỳ 2 tháng/lần, bạn sẽ cần tới tái khám để kiểm tra quá trình răng dịch chuyển. Thông thường, số lượng khay niềng bạn cần mang rơi vào khoảng 20 - 40 khay tùy mức độ từng ca.
Thời gian của niềng trong suốt sẽ kéo dài hơn các phương pháp kể trên, thường từ 2 - 3 năm. Sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, chi phí cho niềng Invisalign rất cao, lên tới 80 - 120 triệu đồng.
- Ưu điểm:
+ Tính thẩm mỹ cực cao, niềng như không niềng.
+ Rất tiện lợi vì có thể tự tháo lắp tại nhà.
+ Rút ngắn thời gian thăm khám trong quá trình niềng.
- Nhược điểm:
+ Giá thành cao.
+ Thời gian niềng lâu hơn.
+ Chỉ áp dụng với các ca ở mức độ nhẹ và trung bình, không xử lí được các ca nặng.
Lưu ý:
Dù lựa chọn phương pháp niềng nào đi nữa thì sau khi kết thúc liệu trình, bạn vẫn sẽ phải đeo hàm duy trì để giữ cho răng không chạy lại vị trí cũ. Thời gian đeo hàm duy trì phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng răng. Trẻ nhỏ sẽ được khuyến nghị đeo đến khi trưởng thành. Còn với người lớn, khoảng thời gian này sẽ kéo dài 1 - 3 năm, thậm chí vĩnh viễn đối với các ca nặng.
Có 2 loại hàm duy trì: hàm trong suốt và hàm kim loại
Trong 3 - 4 tuần đầu sau khi tháo niềng, bạn phải đeo hàm duy trì 24/24 giờ và không được tháo ra. Về sau, thời gian đeo hàm duy trì sẽ được giảm xuống còn 6 - 8 tiếng/ngày, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Ảnh: Internet