Ngọc Hân cho biết cô và họa sĩ Lê Thiết Cương có mối quan hệ thân thiết hai năm qua, kể từ khi tổ chức triển lãm tranh Cho gió mùa tại Đà Lạt vào 2022. Sau đó, cả hai làm việc cùng trong nhiều dự án mỹ thuật. Cô thích phong cách hội họa tối giản của Lê Thiết Cương, từng ngỏ lời họa sĩ cho mình sử dụng hình ảnh một số bức tranh về Hà Nội để đưa vào bộ sưu tập áo dài Nét Hà Thành và được anh đồng ý. Vì biết hoa hậu sinh năm Kỷ Tỵ (1989), họa sĩ đã mời cô chiêm ngưỡng các bức tranh về chủ đề Tết Tỵ anh sáng tác cho triển lãm cùng tên. Ấn tượng với những mảng màu sắc trong chùm tác phẩm, cô quyết định đưa lên áo dài.
Ngọc Hân bên áo dài in tranh Lê Thiết Cương.
Quá trình in tranh Lê Thiết Cương lên vải không hề dễ dàng với Ngọc Hân. Những bức tranh có khổ ngang, tà áo dài lại có khổ dọc nên rất khó sắp xếp bố cục in. Nàng hậu mất khá nhiều thời gian sắp xếp lại bố cục, màu sắc, thậm chí đưa 2-3 bức tranh lên cùng mảnh vải may áo dài.
"Làm thế nào để vừa giữ được tinh thần tranh tối giản của anh Cương lại vừa thể hiện được dấu ấn riêng về thiết kế là một bài toán khó với tôi. Trong quá trình thực hiện bộ sưu tập, tôi luôn hỏi ý kiến của anh Cương và được anh cho nhiều lời khuyên. Anh tỉ mỉ, chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được anh ưu ái dành không gian trưng bày bốn mẫu áo dài cùng khăn tại triển lãm Tết Tỵ do anh làm giám tuyển lần này", Ngọc Hân bày tỏ.
Các mẫu áo dài nàng hậu giới thiệu trong triển lãm Tết Tỵ có chất liệu lụa và cotton được sản xuất riêng cho bộ sưu tập. Đây là hai chất liệu thân thiện với môi trường, tạo cảm giác dễ chịu cho người mặc. Riêng phụ kiện khăn được nàng hậu sử dụng chất liệu voan tơ, để khăn có độ mềm mại, bay bổng. Ngoài 4 mẫu áo dài, khăn tại triển lãm, Ngọc Hân dự kiến hoàn thiện và cho ra mắt bộ sưu tập Nét Hà Thành với họa tiết tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương vào đầu năm 2025. Nàng hậu sáng tạo áo dài dành cho cả phụ nữ, nam giới và trẻ em để khách hàng có thể diện du xuân trong dịp Tết âm lịch.
Ngọc Hân bên họa sĩ Lê Thiết Cương và các họa sĩ tham gia triển lãm 'Tết Tỵ'.
Ngọc Hân cho biết ấn tượng đầu tiên về họa sĩ Lê Thiết Cương là một người khó tính, thẳng thắn nhưng làm việc lâu, cô dần hiểu và học được ở anh nhiều kiến thức hữu ích về mỹ thuật Việt Nam. Nhờ những lần anh nghiêm khắc nhận xét, cô có thêm động lực phát triển bản thân và quyết định quay lại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để học thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật ứng dụng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tốt nghiệp trung học năm 1984, sau đó theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến năm 1990. Ông có hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản, thực hành và thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ: đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét. Ngoài hội họa, ông thành danh trên nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế. Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, làm giám tuyển của nhiều sự kiện, có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore.
Nguyên An