Đinh Hiền Anh thực hiện bộ ảnh hồi tháng 4, khi sang Nhật công tác. Cô chọn áo dài ngũ thân, dạo bước tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Kyoto với mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của trang phục Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Khi dạo bước ở Somon Gate (Kyoto), cô được nhiều du khách chú ý và khen ngợi diện trang phục độc đáo
Áo dài ngũ thân là trang phục truyền thống của người Việt ra đời vào năm 1744, sau cuộc cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Trang phục có tên áo dài ngũ thân vì được ghép từ 5 vạt với hai thân trước, hai thân sau được đối nhau ở ngực và lưng, thân thứ 5 ở phía trước, nằm bên phải và trong thân thứ nhất.
Nữ ca sĩ kết hợp trang phục với mấn đội đầu đồng điệu, tóc búi thấp giống phụ nữ Việt Nam xưa.
Đinh Hiền Anh cho biết từ lúc mới bước chân vào nghề và theo đuổi dòng nhạc dân gian, cô đã tìm hiểu về trang phục Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Khi biểu diễn, cô luôn mặc cổ phục hoặc những bộ cánh lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, có họa tiết đậm nét phương Đông.
"Không chỉ vì nó phù hợp với dòng nhạc mà bản thân tôi thấy mình nữ tính, dịu dàng nhất trong những trang phục đó", cô nói. Đinh Hiền Anh sở hữu hơn 100 bộ áo dài với các kiểu dáng, chất liệu.
Khi đến ngôi chùa cổ Chion-in (Kyoto), Đinh Hiền Anh khoác lên bộ cổ phục vàng rực rỡ, lấy cảm hứng từ hình ảnh hoàng hậu Nam Phương với phần tà dài quét đất, ống tay loe rộng.
Nữ ca sĩ cho biết trang phục cồng kềnh, chiếm hết vali trong chuyến công tác nhưng vì không muốn bỏ lỡ cơ hội lưu lại những hình ảnh đẹp tại các ngôi chùa cổ của Kyoto nên cô nhất định mang theo.
Nữ ca sĩ đeo thêm trang sức ngọc trai, trâm cài tóc, khăn vấn để hoàn thiện vẻ quyền quý, sang trọng. Cô kể rằng không ít du khách nghĩ cô đóng phim cổ trang và khi biết đây là trang phục Việt.
Nguyên An