Gabrielle Chanel, còn được biết đến với cái tên Coco Chanel, đã thống trị thời trang thế giới trong suốt hơn sáu thập kỷ và truyền cảm hứng cho phụ nữ để thay đổi phong cách thời trang từ những chiếc áo nịt ngực nhàm chán đến những bộ vest và đồ trang sức.

Bằng những quan sát của mình về thị trường Paris và khách hàng tiềm năng, Chanel đã xác định được sự cần thiết của một cuộc cách mạng trong ngành thời trang cho phái nữ. Và hơn 50 năm sau khi bà qua đời, thương hiệu mang tên bà được định giá lên tới 9 tỷ USD và luôn là nhãn hàng yêu thích của các minh tinh hạng A.

photo-2-1663461108622908695132.jpg

Câu chuyện về Coco Chanel là câu chuyện của một đứa trẻ trải qua thời thơ ấu nghèo khó, để rồi nắm bắt cơ hội và sự đổi mới để thay đổi cách mọi người nhìn nhận về thời trang. Theo thời gian, thương hiệu mang tính biểu tượng này đã mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều lĩnh vực, từ thời trang đến đồ trang điểm và phụ kiện, với nhiều người nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu.

Vậy hãy cùng xem cách Coco Chanel xây dựng đế chế của riêng mình và thay đổi thế giới thời trang như thế nào.

Từ Gabrielle đến Coco

Mùa hè năm 1883 tại Saumur, Pháp, Gabrielle Bonheur Chanel được sinh ra. Sau khi mẹ bà qua đời sớm, cha của Chanel đã gửi bà vào trại mồ côi, nơi những người phụ nữ phải mặc một loại trang phục khắc khổ màu trắng. Chính điều này về sau đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các thiết kế mang tính biểu tượng của Chanel.

Năm 18 tuổi, bà rời trại trẻ mồ côi và nhận công việc nhân viên bán hàng ở Moulins cùng với vai trò ca sĩ bán thời gian trong các quán cà phê. Một trong những bài hát gắn liền với tên tuổi bà khi đó là Qui qu'a vu Coco, và chính nó đã mang lại cho bà biệt danh “Coco”.

photo-1-1663461105795443335983.jpg

Ở tuổi 31, Coco Chanel mở cửa hàng đầu tiên ở Paris. Sự nghiệp ca hát trước đó đã giúp bà gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng trong làng thời trang, và một trong số họ, Étienne de Balsan, đề nghị bà chuyển đến lâu đài của ông, nơi ông sẽ tài trợ cho bà để thiết kế mũ.

Balsan ghi nhận tài năng của Chanel và giúp bà mở một cửa hàng ở Deauville vào năm 1914, nơi Chanel bắt đầu tạo ra những thiết kế phi truyền thống. Một nhà công nghiệp dệt may người Pháp đã cung cấp cho bà loại vải Jersey để may quần áo, và chất vải này hiện đã trở thành một phần quan trọng trong các sáng tạo của Chanel.

Nước hoa huyền thoại Infamous No.5 và bộ suit Chanel

Mong muốn cách tân không ngừng của Chanel đã thúc đẩy bước tiến của bà trong lĩnh vực thời trang, và Chanel bắt đầu tìm kiếm những con đường khác để mở rộng thương hiệu. Một trong những thiết kế mang tính biểu tượng và thiết yếu nhất giúp Chanel có được sự ổn định về tài chính là nước hoa Chanel No.5 đình đám.

Năm 1921, Chanel đã ủy quyền cho nhà sản xuất nước hoa Ernst Beaux ở Pháp tạo ra một chuỗi các loại nước hoa cho bà. Bà thách thức ông này phát minh ra một mùi hương có mùi giống phụ nữ, và trong số 80 sản phẩm, bà đã chọn loại thứ 5, đặt tên là Chanel No.5.

photo-4-16634608556142127496999.jpg

Chanel cũng là người đầu tiên bán nước hoa trong lọ với kiểu dáng đẹp hơn nhiều so với bao bì truyền thống. Đại minh tinh Marilyn Monroe từng tiết lộ rằng bà chỉ thích dùng nước hoa Chanel No.5 trước khi đi ngủ, và điều này đã thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng của hãng.

Vào năm 1926, Chanel trình làng một mẫu thiết kế váy đen đơn giản mà sang trọng, dài đến bắp chân, được đăng trên tạp chí Vogue. Với tên gọi Little Black Dress, nó đã trở thành một món đồ gần như không thể thiếu trong tủ quần áo của mọi phụ nữ ngày nay.

Coco Chanel rút lui khỏi giới thời trang trong Thế chiến II để rồi trở lại vào năm 1954. Trước những chỉ trích cho rằng thương hiệu của bà đang trên đà suy tàn, bà đã giới thiệu bộ suit dệt kim Chanel như mặt hàng chủ lực mới.

Rất nhanh chóng, bộ đồ đã gây chấn động toàn giới thời trang với áo khoác không cổ và váy mỏng. Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử, bao gồm Công nương Diana, Audrey Hepburn, Grace Kelly và Jackie Kennedy, đều từng rất ưa chuộng bộ đồ này.

photo-3-16634608537041607378732.jpg

Di sản cho nhiều thế hệ

Coco Chanel cũng mở ra thế giới trang sức với ngọc trai giả, dây chuyền trang nhã và vòng cổ xếp lớp, vốn được coi là một sự phá cách táo bạo trong thời của bà. Không chỉ có vậy, trước khi Chanel thực hiện cách tân túi xách, phụ nữ thường chỉ sử dụng ví cầm tay.

Về sau, Chanel đã giới thiệu những chiếc túi có dây xích thời trang cho phép đeo vai, trở thành một biểu tượng cho địa vị của người phụ nữ và rất tiện lợi khi sử dụng.

photo-2-16634608500512093801409.jpg

Khoảng hai thập kỷ sau khi trở lại thời trang, Coco Chanel qua đời vào năm 1971 tại khách sạn Ritz ở Paris. Ngay sau khi bà qua đời, quyền điều hành Chanel được trao cho các trợ lý của bà là Ramon Esparza và Gaston Berthelot.

Vào những năm 1980, Chanel gần như trở thành một thương hiệu bị lãng quên. Cho đến khi Karl Lagerfeld được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo, với tầm nhìn hướng đến việc một lần nữa mang các thiết kế Ready-To-Wear của Chanel ra trước thế giới, kết hợp tinh hoa của bà trong diện mạo đương đại, đã hồi sinh thương hiệu. Ông đã giữ vị trí của mình trong hơn ba thập kỷ cho đến khi qua đời vào năm 2019.

photo-1-1663460847084503493763.jpg

Kể từ năm 2019, Virginie Viard thay Karl Lagerfeld đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của hãng và tiếp bước người tiền nhiệm để tiếp tục đưa tầm nhìn của Karl tiến xa hơn.

Bất chấp những thăng trầm trong lịch sử phát triển, không thể phủ nhận rằng thành công của thương hiệu Chanel là công sức của người sáng lập Coco Chanel, cùng sự đóng góp của các thế hệ tâm huyết với thương hiệu này. Họ cùng Chanel đã mang đến sự đổi mới cho thời trang thế giới và thay đổi hướng đi của nó mãi mãi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022