Andrew Grima là cái tên huyền thoại trong làng thiết kế đồ trang sức. Ông có biệt tài sử dụng những viên đá quý lớn với hình dáng thô sơ ban đầu "hô biến" thành những thiết kế sáng tạo, đem đến việc cách mạng hóa đồ trang sức hiện đại ở Anh.

Để có được thành tựu mà bất kỳ nhà thiết kế trang sức nào cũng khát khao, ông Andrew Grima đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Thành công lớn nhất của ông đó chính là đem đến hơi thở mới cho ngành thiết kế trang sức ở Anh.

photo-1-166072476378568301873.jpg

Nhà thiết kế trang sức Andrew Grima.

Con đường tình cờ đến với thiết kế trang sức

Andrew Grima sinh năm 1921 ở Rome, Ý. Gia đình ông đều đi theo con đường nghệ thuật sáng tạo. Cha ông là một nhà thiết kế về ngành thêu trong khi các em trai ông là kiến trúc sư từng giúp ông thiết kế phòng trưng bày ở London vào năm 1966.

Khi ông Andrew Grima được 5 tuổi, cả gia đình chuyển đến sống tại London. Lúc lớn lên, ông theo học ngành kỹ sư cơ khí Đại học Nottingham. Việc ông rẽ hướng sang thiết kế đồ trang sức hoàn toàn là một sự tình cờ.

Trong lần tham gia khóa học về thư ký, ông bắt đầu hẹn hò với cô bạn cùng lớp, Helène Haller, người có cha sở hữu một xưởng trang sức nhỏ.

photo-1-1660724765171516739187.jpg

Grima có tài năng thiên bẩm về nghệ thuật sáng tạo.

Mối quan hệ giữa họ ngày càng bền chặt và cặp đôi đã quyết định kết hôn vào năm 1947. Sau đó, cha vợ giao cho ông Grima giám sát hoạt động xưởng trang sức. Điều này thôi thúc ông Grima khát khao muốn thỏa sức thể hiện tài năng nghệ thuật đã có sẵn trong máu của ông.

Cuối cùng cơ hội đã đến với ông. Một nhà mua bán đá quý nổi tiếng có lô hàng mới nhập khẩu từ Brazil. Ông Grima đã thuyết phục cha vợ mua tất cả số đá quý thô sơ đó.

Dù chưa qua trường lớp đào tạo nào, bằng tài năng thiên bẩm của mình, ông đã bắt tay vào thiết kế các loại đá quý, thử nghiệm các hình dáng dựa trên cảm hứng từ thiên nhiên như lá cây, dung nham núi lửa... Những tác phẩm của ông đã bất ngờ tạo ra thành công ngoài sức tưởng tượng.

Vào năm 1952, cha vợ ông qua đời và Grima thừa kế công việc kinh doanh và đưa nó lên tầm cao mới.

photo-1-16607248174932075921152.jpgphoto-1-16607248258321036146118.jpg
photo-1-16607248381181184329261.jpgphoto-1-16607248038521639621174.png

Một số tác phẩm của Grima.

Bước ngoặt đến gần với các thành viên hoàng gia

Sau khi được mời tham gia trưng bày tại một triển lãm đồ trang sức hiện đại ở London năm 1961, ông bắt đầu được giới thượng lưu chú ý. Ông đã giành Giải thưởng Công tước Edinburgh cho Thiết kế Thanh lịch, được trao vào năm 1966. Ông là nhà kim hoàn đầu tiên giành được giải thưởng này.

Vào thời điểm đó, người phụ trách triển lãm Graham Hughes đã giới thiệu Grima với những khách hàng thượng lưu tiềm năng. Ông đã có hành động đầy khôn khéo khi mời chồng của Công chúa Margaret, em gái Nữ hoàng Anh đến thăm xưởng chế tác của mình.

Chồng Công chúa vô cùng ấn tượng với các thiết kế của Grima và quyết định mua một sản phẩm làm quà tặng cho vợ yêu của mình.

Sau khi giành giải thưởng Công tước xứ Edinburgh, Hoàng tế Philip, chồng Nữ hoàng Anh đã chọn một chiếc trâm đính kim cương và hồng ngọc nằm trong bộ sưu tập của Grima để tặng cho vợ mình. Nữ hoàng Anh rất yêu thích chiếc trâm cài áo này và bà vẫn thường xuyên sử dụng nó cho đến ngày hôm nay.

photo-2-16607247651931861377817.png

Chiếc trâm cài áo của Grima được Nữ hoàng Anh thường xuyên sử dụng.

Năm 1968, Grima được triệu tập đến Cung điện Buckingham, nơi ông được mời trình bày một số mẫu thiết kế để phục vụ cho các chuyến thăm nước ngoài của Nữ hoàng Anh. Một tháng sau, Grima được mời đến ăn trưa tại Cung điện do Công chúa Anne tiếp đón. Ông từng tạo ra đôi bông tai ngọc trai thiết kế hình chiếc lá tinh xảo, món quà đặc biệt mà vợ chồng Nữ hoàng Anh dành tặng cho Công chúa Anne.

Kể từ đó, khách hàng quen thuộc của ông là các thành viên hoàng gia. Với bàn tay tài hoa cùng sức sáng tạo vô biên, ông đã giành được 13 Giải thưởng Quốc tế Kim cương De Beers (được ví như giải Oscar trong ngành thiết kế trang sức), nhiều hơn bất kỳ thợ kim hoàn nào khác.

Nốt trầm lúc cuối đời

Vào năm 1977 ông ly hôn với vợ Helène Haller, sau khi cặp đôi có 3 con chung. Cùng năm đó, ông tái hôn với Jojo Maughan-Brown. Họ có với nhau cô con gái Francesca, người tiếp tục công việc kinh doanh trang sức của gia đình sau này.

Sau khi kế hoạch mở rộng kinh doanh không thành công, ông đã chuyển đến Thụy Sĩ để lựa chọn cuộc sống kín tiếng hơn. Vào thời điểm đó, ông bị suy nhược thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bà Francesca chia sẻ: "Cha tôi là một người vô cùng kiên cường. Mặc dù ông ấy bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng nhưng cha tôi vẫn quyết định đến Thụy Sĩ để xây dựng cuộc sống mới".

photo-3-1660724765686451501474.jpg

Những sản phẩm của Grima vẫn sống mãi với thời gian.

Nhà thiết kế Grima qua đời năm 2007, hưởng thọ 86 tuổi sau khi mắc chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, những ký ức và tài năng của ông vẫn còn sống mãi trong các món đồ trang sức tuyệt đẹp.

Vào năm 2012, Francesca cùng mẹ đã chuyển về London và tiếp tục sự nghiệp của bậc thầy Grima khi tạo ra các tác phẩm trang sức độc đáo, hoàn toàn làm bằng thủ công. Tháng 9/2017, một bộ sưu tập của Grima đã được đem bán đấu giá và nhận sự ủng hộ to lớn. Hiện một số tác phẩm để đời của ông vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Victoria & Albert.

Nguồn: People, Mirror

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022