Tuần lễ thời trang London Thu 2020 diễn ra từ ngày 13 đến 18/2, giới thiệu hơn 60 bộ sưu tập từ các thương hiệu. Vogue tổng hợp 10 bộ đẹp nhất.
Richard Malone
26 trang phục trong bộ sưu tập mùa này giúp Richard Malone thắng giải Woolmark quốc tế, dành cho những nhà thiết kế trẻ thể hiện được vẻ đẹp, tính đa dạng của lông cừu merino Australia – chất liệu vải bền vững. Richard Malone sử dụng vải dệt lông cừu từ các trang trại ở Tamil Nadu (Ấn Độ) cùng thuốc nhuộm nguồn gốc hữu cơ, thực vật. “Khi làm việc cho những thương hiệu hạng sang ở Paris, tôi cảm thấy thời trang không thực sự thân thiện. Vì vậy tôi luôn ý thức về môi trường, tính bền vững khi thiết kế”, Richard nói trên WWD.
Quần ống loe và dây đai ngang người là điểm nhấn trong thiết kế của Richard Malone mùa này, lấy cảm hứng từ trang phục lao động. Sự mới mẻ trong cấu trúc trang phục cũng được đánh giá cao, thể hiện qua những bộ váy xếp ly bất đối xứng, tạo hình trừu tượng (phải).
Bộ sưu tập của Richard Malone tại Tuần lễ thời trang London Thu 2020.
Phoebe English
Phoebe tập hợp vải thừa từ một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng cho bộ sưu tập năm nay, đề cao giá trị của thời trang bền vững. Sử dụng trắng - đen - xanh lam làm màu chủ đạo, Phoebe tạo nên những thiết kế đơn giản, sắc sảo. Áo khoác, váy xếp lớp, quần áo rộng kết hợp bra tạo tổng thể ấn tượng. Ảnh: Phoebe English.
Việc kết hợp các dải màu xanh lam với nhau tạo điểm nhấn tinh tế cho trang phục nam, gồm các mẫu áo phông hình hộp đơn giản và quần ống rộng. Ảnh: Phoebe English.
Richard Quinn
Bỏ qua quan điểm về tối giản, thanh lịch cố hữu của thời trang Anh, Quinn tạo ra thế giới màu sắc với những trang phục in hoa, áo lông, quần áo đính đá, đinh tán. “Tôi muốn London là trung tâm, từ đó nhìn ra thế giới”, nhà mốt nói trong show. Anh tạo ra thiết kế lấy cảm hứng nhiều làn sóng thời trang từ Anh tới Pháp: cổ áo tròn, tay phồng đặc trưng thời Edward, New Look của Dior, xếp nếp dạng tổ ong của Emanuel Ungaro tới kết cấu hình cầu đặc trưng của Yves Saint Laurent. Trang phục nam đặc trưng bởi áo in ấn cầu kỳ và quần ống loe, mang thông điệp “nam tính và gợi cảm”.
Sân khấu màu sắc của Richard Quinn.
Victoria Beckham
“Mùa này, tôi nghĩ về sự trái ngược giữa tinh tế và táo bạo. Tôi được truyền cảm hứng từ những ý tưởng khác nhau về phái nữ. Quan trọng hơn hết, tôi không tuân theo quy tắc mà thuận theo bản năng của mình”, Victoria Beckham nói. Vic tạo nên “cuộc nổi loạn nhẹ nhàng” với váy ngắn xếp nếp, váy chữ A, thiết kế kẻ sọc, bốt da quá gối, đường cắt ở tay áo với màu đen chủ đạo. Vải kẻ ô vuông và vải tweed được làm mới khi kết hợp váy sơ mi, blouse, trench-coat. Nhiều mẫu "Little black dress" được giới thiệu, tạo điểm nhấn ở thắt lưng bạc cách điệu hình hai bàn tay đan vào nhau.
Cây bút Sarah Mower của Vogue nhận xét: "Bộ sưu tập thấm đẫm tự tin của Victoria Beckham đã trở thành nguồn cảm hứng êm dịu cho những phụ nữ yếu đuối”. Gia đình Vic xuất hiện ở hàng ghế đầu để ủng hộ cô.
Roksanda
Bộ sưu tập mùa này là một trong những lần Roksanda Ilincic sử dụng màu sắc, họa tiết táo bạo nhất. Nhà mốt giới thiệu những chiếc váy lụa kết hợp áo choàng dài quá chân, trang phục hai tông màu, họa tiết in trừu tượng, tua rua, trang phục bo gấu. Một số mẫu bùng nổ màu sắc khi kết hợp ngẫu nhiên loạt vải sợi màu. Bảng màu trải dài từ cam, tím việt quất, đỏ rượu vang tới xanh biển, hồng thạch anh, hồng cánh sen tạo nên tổng thể rực rỡ.
Simone Rocha
Tạp chí Harber’s Bazaar nhận xét bộ sưu tập của Simone Rocha phù hợp cô dâu trong ngày cưới. Nhà mốt giới thiệu loạt váy trắng và ngà, kết hợp chi tiết dệt kim, lụa, lanh, nơ, lông thú, ngọc trai, hoa tulip thêu, hoa và khăn đội đầu, tạo vẻ đẹp nữ tính, mơ mộng. Tuy nhiên, nửa sau show diễn, bảng màu đổi dần sang gam tối hơn như đen, xanh dương, tím và đỏ, thể hiện sự mất mát. “Luôn có mặt tối ẩn trong những nếp quần áo và câu chuyện cổ tích Rocha kể”, tạp chí Vogue nhận xét. Cảm hứng tôn giáo được lồng ghép tinh tế ở một số thiết kế, thể hiện qua tay áo giám mục, khăn quàng chéo vai màu đỏ hay tên thánh St. Malachy cùng dấu thập giá (vị thánh bảo trợ Iceland) được in bằng chữ cam trên nền tím (thứ ba từ trái sang).
Bộ sưu tập của Simone Rocha.
Erdem
Bộ sưu tập của Erdem Moralioglu lấy cảm hứng từ triển lãm của nhiếp ảnh gia Cecil Beaton - “Cecil Beaton’s Bright Young Things”, giới thiệu loạt chân dung những năm 1920, 1930 tại Phòng trưng bày quốc gia London. Váy ren bạc, diềm đăng ten, váy kim tuyến màu hồng lạ mắt, một chút cảm hứng từ những bộ pajama của nghệ sĩ hát rong, váy tua rua xếp tầng, họa tiết kẻ ô đen - trắng… nổi bật trên sàn diễn.
“Tuy nhiên, đó không phải chuyến đi hoài cổ hoàn toàn về những thập niên của nhạc Jazz. Những chiếc váy satin gợi không khí những năm 1930, 1940, nhưng sự đơn giản trong thiết kế khiến chúng gần gũi với phụ nữ hiện đại”, tờ Vogue nhận xét.
Tóc cũng được chú trọng trên đường băng Erdem, thường là những mẫu tóc uốn mái chữ S cổ điển màu bạc, nâu, đen hoặc được trang trí bằng băng đô, mũ lông vũ cầu kỳ.
JW Anderson
“Nouveau chic” (sự sang trọng mới lạ) là thuật ngữ Jonathan Anderson đặt cho bộ sưu tập của mình. Nhà mốt nói về thông điệp show diễn: “Nắm bắt từ những thứ đơn giản tới vẻ đẹp lạ lùng, đồng thời khuếch đại chúng lên”. Ba lần áo khoác hình thang khổ lớn với cổ áo da to bản xuất hiện, thể hiện sự nổi bật của trang phục, kèm đó là áo khoác midi, váy ánh kim, blouse có thắt lưng dài tới đầu gối, áo tay bồng, kết cấu xếp tầng…
Vải xù lông được sử dụng tạo cầu vai quá khổ hay váy dài. Một số thiết kế xù lông gợi liên tưởng tới nhân vật hoạt hình Cookie Monster (phải).
Tờ Vogue nhận xét: “Điều khiến thiết kế của Anderson xuất sắc là khả năng đưa hình thức, ý tưởng mới mẻ trong khuôn khổ dễ nhận biết, gợi nhắc về một cái gì đó quen thuộc, nhưng ta chưa từng sở hữu trước đây”.
Christopher Kane
Trong bộ sưu tập Thu 2020, Kane được truyền cảm hứng từ hình tam giác, với ba điểm tam giác đại diện cho đàn ông, phụ nữ và thiên nhiên. “Đó là hình mạnh nhất trong tự nhiên”, nhà mốt nói. Các họa tiết tam giác thể hiện ở họa tiết váy ren, cổ áo, áo ngực tam giác, váy chữ A, kết cấu nơ trên ngực áo… Biểu tượng tam giác đồng thời gợi ra con mắt của Chúa (Christian Eye of Providence), đặt chồng lên bản in Trái cấm của Adam và Eva (bức vẽ năm 1582 của họa sĩ Lucas Cranach the Elder), gợi hình ảnh cám dỗ, tội lỗi (ảnh phải).
Burberry
Hồi ức về lịch sử, di sản thương hiệu truyền cảm hứng cho Riccardo Tisci trong bộ sưu tập năm nay. Tisci tái hiện giai đoạn đầu thành lập thương hiệu, những thành phố anh đến thăm, người quen từng gặp mặt trong những thiết kế quen thuộc nhưng mới mẻ. Họa tiết sọc vuông cổ điển của thương hiệu tiếp tục xuất hiện ở áo sơ mi, comple, trench-coat, peacoat, áo ba lỗ, túi xách, giày… Bộ sưu tập đồng thời thể hiện mối quan tâm tới thời trang bền vững của thương hiệu, trong nỗ lực giảm thiểu carbon. Nhà thiết kế thừa nhận anh đang dần quan tâm tới công nghệ thời trang xanh, nhưng chưa hoàn thiện.
Bảo Thư (ảnh: Gorunway, video: Youtube)