Hôm 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhanh chóng chuyển gần 3 tấn vật tư y tế đến các bệnh viện ở Nay Pyi Taw và Mandalay, hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất tại Myanmar.
Lô vật tư bao gồm bộ dụng cụ chấn thương và lều đa năng, được chuyển từ kho dự trữ tại Yangon đến các khu vực bị ảnh hưởng trong vòng 24 giờ sau hai trận động đất mạnh 7,7 và 6,4 độ richter xảy ra ở miền trung Myanmar hôm thứ Sáu. Tại Nay Pyi Taw, số vật tư này đã đến một bệnh viện 1.000 giường và sẽ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Mandalay, hai cơ sở chính điều trị cho các nạn nhân.
Các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra tại Bago, Magway, Mandalay, Nay Pyi Taw, phía Nam và Đông Shan, cùng Sagaing. Hệ thống y tế tại các khu vực này đang chịu áp lực lớn do số lượng thương vong tăng cao. Hàng nghìn người bị thương cần chăm sóc y tế, đặc biệt là điều trị chấn thương, phẫu thuật, cung cấp vật tư truyền máu, thuốc gây mê, thuốc thiết yếu, đồng thời đảm bảo nước sạch và vệ sinh. Ngoài ra, nhu cầu về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần cũng rất cấp bách.

Bác sĩ và đội ngũ y tế điều trị cho một nạn nhân bị mắc kẹt được giải cứu sau trận động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3. Ảnh: AFP
WHO đã gửi lều đa năng để tạo thêm không gian điều trị và bộ dụng cụ chấn thương để hỗ trợ xử lý các ca gãy xương và vết thương nghiêm trọng. Tổ chức cũng đang chuẩn bị đợt viện trợ thứ hai, bao gồm Bộ Dụng cụ Y tế Khẩn cấp Liên ngành, với đủ vật tư để điều trị cho 10.000 người trong ba tháng.
Cùng lúc, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc hỗ trợ các đội phản ứng nhanh tại những bệnh viện trong khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời hợp tác với các đối tác để tiến hành đánh giá nhanh nhu cầu thực tế. Điều này giúp xác định rõ hơn những thiếu hụt và đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Mức độ thương vong và thiệt hại đối với cơ sở y tế vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, báo cáo ban đầu cho thấy Mandalay, Sagaing và Nay Pyi Taw chịu thiệt hại nghiêm trọng do trận động đất phá hủy nhiều công trình và tòa nhà. Tại Tại Nay Pyi Taw, nhiều cơ sở y tế công và tư, trong đó có một phòng khám đa khoa lớn, đã chịu thiệt hại đáng kể. Sagaing hiện gặp khó khăn trong việc cập nhật tình hình do mất điện và gián đoạn liên lạc.
WHO đã liên hệ với Mạng lưới các Đội Y tế Khẩn cấp toàn cầu để điều phối việc triển khai các đội y tế và bệnh viện dã chiến tại Myanmar. Tính đến thời điểm hiện tại, 26 đội đã đăng ký sẵn sàng tham gia hỗ trợ.
Tình hình tại Myanmar vẫn đặc biệt đáng lo ngại khi hệ thống y tế vốn đã mong manh do ảnh hưởng của xung đột. Trước khi trận động đất xảy ra, ước tính có 12,9 triệu người tại Myanmar cần các can thiệp y tế nhân đạo vào năm 2025. Thảm họa lần này càng làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia.
Thục Linh