Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Neurology ngày 24/3. Các nhà khoa học còn phát hiện rối loạn thần kinh là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng khuyết tật ở người. Sự gia tăng các bệnh về não cũng khiến tỷ lệ tử vong sớm toàn cầu gia tăng.
Theo WHO, các ca rối loạn thần kinh phần lớn tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp do cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế. Hơn 80% số ca tử vong về thần kinh xảy ra ở các quốc gia này.
Kể từ năm 1990 đến nay, số ca tử vong và tàn tật do rối loạn thần kinh não bộ đã tăng 18%. Tác giả nghiên cứu liệt kê 10 bệnh thần kinh hàng đầu bao gồm đột quỵ, bệnh não ở trẻ sơ sinh, đau nửa đầu, Alzheimer, bệnh thần kinh do tiểu đường, viêm màng não, động kinh, biến chứng thần kinh do sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và ung thư hệ thần kinh.
Bệnh thần kinh tiểu đường phát triển nhanh nhất, đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990 đến nay. Theo nghiên cứu, sự gia tăng cũng có thể bắt nguồn từ Covid-19. Số liệu thống kê chỉ ra rằng đại dịch dẫn đến suy giảm nhận thức lâu dài và hội chứng Guillain-Barré. Đây là tình trạng xuất hiện rối loạn hiếm gặp trong hệ miễn dịch, khiến cơ thể tấn công các dây thần kinh gây tổn thương rễ thần kinh hủy myelin.
Minh họa một người gặp vấn đề về hệ thần kinh. Ảnh: DPHHS
Tiến sĩ David Merill, giám đốc Viện Khoa học thần kinh Thái Bình Dương, cho biết con người có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh mạn tính về thần kinh thông qua việc thay đổi lối sống, tạo các thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, tăng cường giao tiếp xã hội, kích thích nhận thức bằng các trò chơi trí tuệ hoặc ăn uống lành mạnh hơn.
Các tác giả ghi nhận một phát hiện tích cực: tình trạng suy giảm sức khỏe do các bệnh như uốn ván, dại và đột quỵ đã giảm 25% kể từ năm 1990. Họ cho rằng đây là kết quả của việc phòng ngừa và chăm sóc được cải thiện.
Tiến sĩ Muhammad Arshad, chuyên gia thần kinh của Hệ thống Y tế Memorial Hermann, cho biết nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định chính sách và cải thiện dịch vụ y tế. Đây cũng là bằng chứng cho thấy vấn đề sức khỏe tinh thần toàn cầu chưa được nhìn nhận đúng đắn.
Thục Linh (Theo Medical News Today)