
Sau thảm kịch lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long khiến 37 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 10 người may mắn sống sót, bên cạnh những tổn thất về thể chất, các nạn nhân tiếp tục phải đối diện với một cuộc chiến âm thầm khác. Đó là cuộc chiến để chữa lành những tổn thương tinh thần sâu sắc.
Bé 10 tuổi sống sót vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long được theo dõi tâm lý đặc biệt
Sau biến cố, nỗi ám ảnh hằn sâu vào tâm trí
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách – chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng (Viện Tâm lý và Truyền thông, Hội Tâm lý học Việt Nam) cho rằng, cú sốc từ những tai nạn bất ngờ và thương tâm như vụ lật tàu sẽ để lại hậu quả lâu dài, âm ỉ. Dù là người có tâm lý vững vàng đến đâu cũng sẽ bị ám ảnh.
Theo bác sĩ Bách, tùy độ tuổi, tính cách và nền tảng tinh thần, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau. Nhưng hai dạng phản ứng điển hình, thường thấy nhất là sụp đổ tinh thần ngay lập tức hoặc trạng thái "đóng băng cảm xúc" kéo dài. Đây là cơ chế tự vệ tâm lý nguy hiểm và cần được can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, với những người trực tiếp đối mặt với cái chết, chứng kiến sự ra đi của người thân, họ có thể sẽ bị ám ảnh rất lâu. Bác sĩ Bách dẫn chứng: "Như trường hợp 4 người đàn ông cùng bấu víu vào vật nổi chờ cứu hộ, một người đã buông tay, nói lời cuối cùng: 'Chào anh em, tôi đi'. Ba người còn lại sống sót, nhưng lời từ biệt ấy có thể là âm thanh ám ảnh họ đến cuối đời".

Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long được trục vớt.
Tương tự, trường hợp bé trai 10 tuổi sống sót trong vụ tai nạn nhưng mất đi người thân, trong đó thi thể của cha của em vẫn đang mất tích, cũng có thể phải đối mặt với nỗi đau âm ỉ. Nỗi đau tinh thần này có nguy cơ phát triển thành rối loạn lo âu, trầm cảm trong tương lai, gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Theo bác sĩ, với ký ức chấn động và đầy mất mát, trẻ sẽ phải mang theo những mặc cảm, những câu hỏi không lời đáp trong suốt hành trình trưởng thành sau này.
Cẩn trọng với "sang chấn thứ cấp" từ mạng xã hội và dư luận
Ngoài những nạn nhân trực tiếp, người thân của nạn nhân và thậm chí là cả những người theo dõi tin tức cũng có thể chịu ảnh hưởng của những "sang chấn tâm lý thứ cấp". Đây là hiện tượng nhiều người "lây nhiễm cảm xúc tiêu cực" thông qua việc quan sát, đồng cảm hoặc tưởng tượng mình ở trong hoàn cảnh của nạn nhân.
Theo bác sĩ Bách, vấn đề này ngày càng phổ biến trong thời đại mạng xã hội phát triển. Việc đưa tin quá chi tiết, tường thuật tang lễ, khai thác sâu đời tư nạn nhân vô tình "khoét sâu" vào vết thương của người trong cuộc.
"Một người đang cố gắng nguôi ngoai nhưng rồi lại nhìn thấy hình ảnh người thân đau đớn tràn ngập trên báo chí, TikTok, Facebook… điều này có thể vô tình đẩy họ xuống hố sâu, khiến sang chấn nặng nề hơn", bác sĩ Bách nói.
Vị chuyên gia kêu gọi các cơ quan truyền thông và người dùng mạng xã hội cần đưa tin có chừng mực, tránh biến nỗi đau thành tâm điểm để thu hút sự chú ý. Bởi hành động đó không khác gì "đổ thêm dầu vào lửa khi đám cháy vẫn chưa được dập tắt".
Nỗi đau sau biến cố cần được chữa lành đúng cách
Bác sĩ Bách cho rằng cần có kế hoạch hỗ trợ tâm lý bài bản cho các trường hợp sống sót hoặc mất người thân trong tai nạn. Thời gian hỗ trợ tâm lý nên được bắt đầu sau 10–15 ngày kể từ khi biến cố xảy ra vì đây là khoảng thời gian người trong cuộc bắt đầu "hạ nhiệt" cảm xúc, sẵn sàng tiếp nhận trị liệu, trò chuyện.
Nếu hỗ trợ quá sớm, khi họ còn đang trong cao trào cảm xúc, những cố gắng tiếp cận có thể phản tác dụng. "Lúc ấy, cảm xúc họ giống như một bức tường lửa không ai có thể xâm nhập. Phải chờ khi ngọn lửa dịu lại thì chuyên gia tâm lý mới bắt đầu đồng hành cùng nạn nhân" , bác sĩ Bách phân tích.
Từ thảm kịch lần này, chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần xây dựng hệ thống ứng phó tâm lý khẩn cấp như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Một số giải pháp có thể triển khai gồm:
- Đưa hỗ trợ tinh thần thành một phần bắt buộc trong ứng phó thiên tai, thảm họa, bên cạnh cứu hộ, y tế.
- Trang bị kỹ năng nhận diện sang chấn tinh thần cho lực lượng tuyến đầu, như cán bộ xã, giáo viên, cảnh sát, cứu hộ.
- Phát triển mô hình trị liệu cá nhân và nhóm, kết hợp cả trực tuyến – trực tiếp để hỗ trợ linh hoạt.
- Cử chuyên gia tâm lý đến hiện trường sớm, hoạt động song song cùng lực lượng cứu hộ, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.