Sáng 8/8, Phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng ê kíp lần đầu tiên phẫu thuật thành công trường hợp sản phụ bị vỡ tử cung từ tuần 26. Bé gái nặng 2,8 kg chào đời khỏe mạnh. Người mẹ ổn định, không có di chứng, có thể mang thai trở lại.

"Đây là trường hợp lần đầu tôi gặp và xử lý trong trong suốt mấy chục năm làm nghề", ông Cường nói.

Trước đó, vào tháng 6, thai phụ tên Hồng được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bụng đau, xuất huyết ồ ạt. Kết quả chẩn đoán người bệnh bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 26, tiên lượng rất xấu cho cả mẹ và con.

Bác sĩ phát hiện tử cung của thai phụ bị rách 5 cm trên nền vết mổ u xơ tử cung cũ, thai nhi vẫn có dấu hiệu của sự sống, nằm trong bọc ối.

"Đây là lần đầu tiên các bác sĩ tiếp nhận trường hợp như vậy bởi thông thường thai phụ vỡ tử cung, ối sẽ vỡ và thai nhi tử vong", ông Cường cho hay.

Khi thai phụ bị vỡ tử cung, các bác sĩ thường chọn cứu mẹ, khâu phục hồi hoặc cắt bỏ tử cung, nhưng người mẹ có thể vĩnh viễn mất cơ hội sinh nở. Trường hợp chị Hồng đặc biệt hơn vì đây là đứa con đầu lòng được thụ tinh trong ống nghiệm IVF sau nhiều năm hiếm muộn. Do đó, các bác sĩ chấp nhận mạo hiểm tìm cách cứu cả mẹ lẫn con. Sau khi mổ ổ bụng thai phụ, ê kíp nhanh chóng cố định thai nhi ở tử cung, hút sạch dịch và khâu phục hồi tử cung.

Ca mổ thành công, thai phụ vượt cửa tử, không những giữ được tử cung mà còn giữ được sự sống của thai nhi. Những ngày tiếp theo, sức khỏe chị ổn định, em bé phát triển bình thường.

"Tuy nhiên, thai nhi lớn dần, làm sao để tử cung không vỡ lần nữa là một bài toán 'cân não' đối với các bác sĩ. Bởi nếu vỡ lần nữa chắc chắn không giữ được thai", ông Cường nói.

1-1659942563-1659942629-3594-1659942985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xBKqLBin80J9IqofLWSzDA

Giám đốc Trần Danh Cường (trái) mổ lấy thai cho sản phụ sáng 8/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chị Hồng sau đó được điều trị nội trú tại bệnh viện, dùng thuốc chống cơn co tử cung. Ban đầu, các bác sĩ dự định duy trì thai kỳ đến tuần 32 sẽ mổ đẻ. Tuy nhiên, khi đến mốc này, các chỉ số của hai mẹ con vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát.

"Mỗi một ngày trong bụng, em bé có thêm 3% cơ hội sống, chúng tôi mong muốn giữ bé lớn thêm được ngày nào tốt ngày đó", bác sĩ Cường cho biết. Cuối cùng, khi thai phụ bước sang tuần thứ 38, ông Cường quyết định mổ lấy thai cho bệnh nhân.

Vỡ tử cung là biến chứng khi mang thai, nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Nhiều trường hợp phải đình chỉ thai kỳ và cắt bỏ tử cung. Tai biến này thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ, đặc biệt ở những người từng có sẹo mổ cũ nhưng cũng có thể xảy ra trong quá trình mang thai ở bất kỳ thời điểm nào.

Có nhiều nguyên nhân gây vỡ như tử cung dị dạng, sẹo mổ ở tử cung bị giãn quá mức và nứt vỡ. Bên cạnh đó còn nguyên nhân chửa góc sừng tử cung, rau cài răng lược đâm xuyên qua sẹo mổ cũ...

Thai phụ bị vỡ tử cung thường sẽ có triệu chứng đau bụng khác thường, đau chói trên tử cung, siêu âm thấy trong ổ bụng có nhiều dịch tự do mà không rõ cơn co.

Phụ nữ từng có tiền sử mổ đẻ thì nên chờ tối thiểu 24 tháng mới nên có thai trở lại. Khi mới mang thai, nếu phát hiện thai làm tổ ở vị trí bất thường như: góc sừng tử cung, vết mổ đẻ cũ thì nên chủ động đình chỉ thai nghén, tránh sau này thai phát triển to gây vỡ tử cung.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022