Tử vong khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, đơn vị vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết. Theo đó, ca tử vong là nữ, 25 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 6/8, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đã ngưng tim, sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, nhồi máu cơ tim cấp.

Sau khi được các bác sỹ hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã có mạch, tim phổi trở lại nhưng huyết áp không đo được. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân tử vong vào chiều tối cùng ngày.

sotxuathuyetbn1-1659943764182-165994376449829154487.jpg

Ảnh minh họa

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị sốt ở nhà từ ngày 2/8, sau đó tự mua thuốc uống đến ngày 5/8 thì giảm sốt, cảm giác khỏe hơn nhưng lại xuất hiện đau lưng.

Đến sáng ngày 6/8, người nhà thấy bệnh nhân có biểu hiện mệt nhiều, khó thở, tím tái nên đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển nặng bao gồm: Đau bụng dữ dội; nôn liên tục; chảy máu lợi, chân răng; nôn ra máu; thở nhanh; mệt mỏi, bồn chồn.

Do đó, khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp, điều trị kịp thời, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

Những điều cần tránh khi bị sốt xuất huyết

Theo tài liệu Hỏi - Đáp về bệnh sốt xuất huyết Dengue do Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật ngày 2/6/2022, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Khi bệnh sốt xuất huyết thuộc thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà bằng việc cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).

sotxuathuyettuyetdoikhongduoctruyendichhasot-1659943620503-1659943621087921621915.jpg

Không tự ý truyền dịch khi mắc sốt xuất huyết để tránh gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

Đặc biệt, không được dùng aspirin để điều trị sốt xuất huyết. Theo các bác sĩ, khi bị sốt xuất huyết, có hiện tượng chảy máu, Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.

Do vậy, trong sốt xuất huyết, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, khi bị sốt xuất huyết, khuyến cáo không dùng thuốc kháng viêm không steroid. Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng các kháng viêm không steroid đều có tính này (với các mức khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết không cầm được. Do vậy không dùng chúng trong điều trị sốt xuất huyết.

Một điều quan trọng khác cũng được các bác sĩ lưu ý đó là nhiều người khi mắc sốt xuất huyết cảm thấy mệt mỏi, sốt cao nên tự ý đi truyền dịch với hy vọng bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm. Thực tế cho thấy, đã có người bệnh mắc sốt xuất huyết tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư. 

Ngoài các lưu ý trên, khi mắc sốt xuất huyết người bệnh cần tránh cạo gió, xông hơi hoặc những phương pháp dân gian, truyền miệng để chữa bệnh bởi những phương pháp này chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng trong thực tiễn, ngược lại còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Hơn nữa, hạn chế ra ngoài trời gió to và không nên tắm nước lạnh. Nước lạnh có thể làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng dễ dẫn đến tử vong, vậy nên bệnh nhân cần ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm.

Mặt khác, người bệnh nên tránh ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ. Việc nạp vào cơ thể các món ăn cay nóng, chiên rán nhiều dầu không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của bệnh nhân mà còn có nguy cơ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022