Ngày 22/2, đại diện Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, cho biết bệnh nhân không có bệnh nền, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Người nhà cho hay vài năm gần đây bệnh nhân thường xuyên sử dụng dây đai nịt bụng với mục đích giảm cân. 5 ngày trước khi xảy ra sự cố, người phụ nữ đã dùng đai siết chặt bụng đến mức đau, nôn.

Sáng 20/2, người phụ nữ bị đau bụng dữ dội, đau càng lúc càng nhiều, được người nhà đưa đến bệnh viện. Siêu âm và chụp CT bụng cho thấy bệnh nhân bị dập vỡ gan phải hạ phân thùy V, chảy máu ổ bụng gây xuất huyết nội rất nguy hiểm.

bacsi-1677061162-7794-1677061262.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j3n8uws5P3zWvPMzC4XyLQ

Bác sĩ Thạch Diễn thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: An Minh

Các bác sĩ can thiệp chụp và nút mạch cầm máu gan trên hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), kết hợp đưa vật liệu tắc mạch vào động mạch gan phải để cầm máu cho gan vỡ.

Sau can thiệp, hiện sức khỏe bệnh nhân cải thiện, mạch huyết áp ổn định, tiếp xúc tốt, giảm đau bụng, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Thạch Diễn, người thực hiện can thiệp nội mạch cho bệnh nhân, nút mạch qua DSA là phương pháp can thiệp tối ưu hiện nay, ít xâm lấn, bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu lớn lại an toàn trong điều trị cầm máu vỡ gan.

Hiện nhiều phụ nữ sử dụng dây đai nịt bụng để giảm cân. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách vô tình tác động xấu đến dạ dày (gây ợ nóng, đầy hơi, chướng khí) và các cơ quan khác trong đường tiêu hóa.

Theo các bác sĩ, quấn dây đai không đúng cách trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến cấu trúc của xương sườn, siết chặt phổi, khiến cho thể tích của khoang bụng bị thu hẹp gây khó khăn cho quá trình hô hấp. Người dùng có cảm giác khó thở, nghiêm trọng hơn là vỡ gan, lá lách, thận...

"Người dùng đai khi có những biểu hiện như đau bụng, nôn ói, khó chịu, phải đến viện kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng", bác sĩ Diễn khuyến cáo.

An Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022