Ca cao được biết đến là nguyên liệu chính để làm nên socola - biểu tượng của tình yêu. Ngoài ra, bột ca cao còn được sử dụng để chế biến thành nhiều loại bánh kẹo hoặc đồ uống hấp dẫn.
Theo thông tin từ Medical News Today, cây ca cao được trồng đầu tiên tại Nam Mỹ vào năm 400 sau Công nguyên. Tại đây, người dân sử dụng bột ca cao để pha thành một loại đồ uống mà họ ưu ái gọi với cái tên “đồ uống của các vị thần”.
Cho tới nay, ca cao được trồng rộng rãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào năm 2018, hạt ca cao của Việt Nam vinh dự được Hội đồng Ca cao Quốc tế (ICC) xếp vào nhóm đạt hương vị tốt nhất thế giới. Ở nước ta, ca cao được trồng ở nhiều vùng khác nhau bao gồm Duyên Hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Hạt ca cao và những công dụng bất ngờ với sức khỏe
Hạt ca cao khô (Ảnh minh họa)
Ca cao đã khiến không ít người phải đắm say không chỉ vì hương vị đặc biệt mà còn bởi các lợi ích sức khỏe. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu về lợi ích của hạt ca cao. Kết quả cho thấy, loại hạt này có hàng loạt công dụng bất ngờ với sức khỏe. Các công dụng này bao gồm:
Chống oxy hóa
Theo Medical News Today, hạt ca cao là một trong những loại hạt giàu chất chống oxy hóa nhất với 10% trọng lượng của hạt khô là các chất này. Các chất chống oxy hóa nổi bật của cacao là catechins, anthocyanidins và proanthocyanins.
Các hợp chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, các chất này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương mà gốc tự do gây ra cho tế bào, từ đó giúp phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, rối loạn chuyển hóa,...
Giảm huyết áp
Theo một đánh giá được công bố trên Nutrition Journal vào năm 2017, ca cao có thể giúp giảm huyết áp bằng cách cải thiện nồng độ oxit nitric trong máu, từ đó giúp thư giãn mạch máu, giảm áp lực trong mạch máu.
Một số nghiên cứu trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm cho thấy, các hoạt chất có trong ca cao có thể ức chế enzyme chuyển đổi angiotensin và làm thư giãn mạch máu. Angiotensin là một loại protein có tác dụng gây co thắt mạch máu và tăng huyết áp.
Kiểm soát đường huyết và mỡ máu
Bột ca cao (Ảnh minh họa)
Một đánh giá của 19 nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ ca cao hoặc các sản phẩm từ ca cao như socola, có thể cải thiện đáng kể quá trình chuyển hóa lipid và tình trạng kháng insulin.
Theo đó, các hợp chất polyphenol trong ca cao có thể giảm triglyceride, tăng cholesterol “tốt” - HDL và giảm cholesterol “xấu” - LDL.
Theo News - Medical, các hợp chất polyphenol trong ca cao có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate trong ruột, từ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, các hợp chất này cũng giúp ngăn ngừa tổn thương oxy hóa và chứng viêm có liên quan tới bệnh tiểu đường loại 2.
Chống ung thư
Như đã nói ở trên, hạt ca cao là một trong những loại hạt giàu chất chống oxy hóa nhất. Theo Healthline, các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy các hoạt chất chống oxy hóa có trong hạt ca cao có tác dụng chống viêm nhiễm, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.
Một nghiên cứu được công bố trên Food and Chemical Toxicology vào năm 2013 cho thấy, chế độ ăn giàu ca cao hoặc chiết xuất ca cao có hiệu quả tích cực trong việc giảm nguy cơ ung thư vú, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, gan, đại tràng và bạch cầu ở những động vật thí nghiệm.
Cải thiện chức năng nhận thức
Ca cao là nguyên liệu chính để làm socola (Ảnh minh họa)
Một đánh giá năm 2020 được đăng tải trên tạp chí Nutrients cho thấy, flavanol trong ca cao có thể cải thiện chức năng nhận thức và tăng cường lưu lượng máu, oxy đến não.
Một đánh giá về 12 nghiên cứu cho thấy polyphenol trong ca cao có tác động tích cực đến trí nhớ ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Theo Medical News Today, các polyphenol trong ca cao hoạt động như prebiotic, giúp tăng cường sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột như Lactobacillus và Bifidobacterium, đồng thời giảm số lượng vi khuẩn có hại tại đây. Điều này sẽ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.