Ngày 2/3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghiện rượu, khi vào viện không nói được, huyết áp tụt, các triệu chứng diễn biến nhanh, nặng dần. Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có thể bị đột quỵ não, tuy nhiên chụp CT sọ não không có chảy máu não hay thuyên tắc động mạch.

Bác sĩ Phùng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, hội chẩn cùng bác sĩ bệnh viện Hùng Vương, phát hiện bệnh nhân hơi đỏ da vùng tai, huyết áp ngày càng tụt gây choáng váng, khí máu cao, là dấu hiệu hàng đầu của phản vệ.

Bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, tiêm adrelanin 1/3 ống. Ngay sau tiêm, bệnh nhân không còn chóng mặt, nói khó nhưng huyết áp vẫn thấp. Bác sĩ tiếp tục duy trì adrelanin truyền bơm tiêm điện và chuyển bệnh nhân vào khoa Hồi ức cấp cứu theo dõi đặc biệt. May mắn, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và sức khỏe dần ổn định.

334099222-521939023388607-8350-5626-4034-1677749018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dJCcRtHjLXYRDIC280wq8w

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc dị nguyên. Dấu hiệu sốc phản vệ tùy theo độ nặng của sốc, mức độ nhạy cảm của cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất kháng nguyên hay chất lạ. Những dấu hiệu sớm là khó thở, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, trụy mạch...

Sốc phản vệ có thể gặp mọi lứa tuổi, mọi trường hợp và không chỉ do dùng thuốc, có thể do thức ăn (tôm, cua, ghẹ, côn trùng), côn trùng đốt, tiếp xúc chất lạ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được cấp cứu kịp thời, dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ nhận định, ở trường hợp này, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau bữa cơm tối với nhiều món ăn nên không thể xác định chính xác dị nguyên gây phản vệ.

Các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường (sau khi tiếp xúc với các dị nguyên), người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022