Không lâu sau khi xảy ra sự việc bé gái 13 tuổi ở Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm, báo chí tiếp tục thông tin một bé gái khác ở Phú Thọ cũng sinh con vào cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi và đang là học sinh lớp 5. Sau khi phát hiện sự việc đau lòng, gia đình bé gái này cũng không báo cáo với chính quyền địa phương. Chỉ đến khi những lời bàn tán xôn xao lan rộng, chính quyền địa phương mới biết được sự việc. Khi gặng hỏi, nữ sinh lớp 5 kể bị một anh trong xóm làm "chuyện người lớn" dẫn đến mang bầu và anh này cũng chỉ mới học lớp 8.
Trẻ vị thành niên "yêu" ngày càng sớm
Từ những vụ việc đau lòng về tình trạng quan hệ tình dục sớm dẫn đến mang thai cho thấy lứa tuổi học đường đang thiếu kiến thức về giới tính. Việc một đứa trẻ mang bầu trong nhiều tháng mà gia đình, nhà trường đều không hề biết đã cho thấy người lớn không có sự quan tâm đến con trẻ một cách sâu sát.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hiện nay quan hệ tình dục ở thanh thiếu niên ngày càng sớm trong khi kiến thức về sức khỏe tình dục và sinh sản lại chưa được đầy đủ. Một cuộc khảo sát về hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với hơn 7.700 học sinh tham gia cho thấy tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019). Trong số học sinh từng quan hệ tình dục, hơn 42% có sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác.
Một khảo sát vào năm 2021 của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỉ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% phụ nữ từ 15-19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.
Thống kê tại các trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình của một số bệnh viện sản khoa cho thấy tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên đáng báo động. Đáng nói là thực trạng phá thai to ở tuổi vị thành niên chiếm tỉ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai.
Theo các bác sĩ sản khoa, do cơ thể các em gái chưa hoàn thiện nên khi mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chính bản thân và thai nhi trong bụng. Nếu nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con gây vô sinh. Trong khi đó, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ vị thành niên có tỉ lệ chết trước 1 tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con của các mẹ ở tuổi trưởng thành.
Minh họa: KHỀU
Giúp trẻ bảo vệ bản thân
PGS-TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường Đại học Y tế Công cộng, cho biết ở lứa tuổi vị thành niên, tình dục là điều mới lạ, tạo cảm giác tò mò, gây hưng phấn cho các em, nhất là giai đoạn dậy thì. Thế nhưng, nếu quan hệ tình dục sớm, khi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe tình dục sẽ mang đến hậu quả khó lường.
Gia tăng trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần chú ý gì?Đọc ngay
"Quan hệ tình dục trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su sẽ góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn, cũng như tỉ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao. Xu hướng hiện nay thanh thiếu niên, đặc biệt là tuổi vị thành niên, có quan hệ tình dục sớm, có thể là do dậy thì sớm. Đó cũng là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm, bởi rất nhiều nguy cơ kèm theo khi các con quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi này" - PGS Hạnh lưu ý.
Theo chuyên gia sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, hiện độ tuổi dậy thì trung bình từ 10 - 11 tuổi, có em có thể dậy thì sớm hơn. Khi đó, các em có nhu cầu tìm hiểu cơ thể mình cũng như bạn khác phái và bắt đầu có các tiếp xúc tình dục. Do đó, phải giáo dục các em trong độ tuổi này các vấn đề về giới tính và tình dục an toàn. "Nên đưa các bài giảng giáo dục giới tính về cơ quan sinh dục và tâm sinh lý ở tuổi dậy thì vào chương trình chính khóa. Các bài giảng phải cung cấp đầy đủ kiến thức liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục" - bà Dung nhấn mạnh.
Vẽ đường cho hươu chạy đúng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nội dung giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại được đưa vào từ bậc tiểu học trong các môn như tự nhiên và xã hội, khoa học, đạo đức... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, dự kiến sẽ đưa nội dung giáo dục giới tính vào một cách phù hợp với tâm sinh lý trẻ mầm non.
Dù vậy, nhiều chuyên gia và các nhà giáo cho rằng giáo dục giới tính cần trở thành một môn học bắt buộc thay vì chỉ lồng ghép trong các môn khác nhau hoặc chỉ một vài bài trong sách giáo khoa.
TS Phạm Thị Thúy - giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP HCM, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM - cho rằng nên dạy giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, giúp trẻ biết cách phòng chống xâm hại, bảo vệ chính mình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và ứng xử văn minh phù hợp với bạn bè khác giới. Nếu giáo dục giới tính thiên lệch, thiếu bài bản, cấm đoán sẽ dễ dẫn đến tình trạng yêu sớm rồi bỏ bê học hành, quan hệ tình dục bừa bãi, mang thai ngoài ý muốn, phá thai...
"Người lớn không cần cảm thấy quá lo lắng rằng chúng ta đang "vẽ đường cho hươu", thay vào đó hãy "vẽ đường cho hươu chạy đúng" - TS Thúy nhấn mạnh.
Đặng Trinh