Ngày 28/2, bác sĩ Nguyễn Tiến Nam, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết bình thường thành túi mật dưới 3 mm, mỏng đều, trong lòng túi mật dịch trong. Song, cổ túi mật bệnh nhân này kẹt một viên sỏi khá lớn, phải phẫu thuật cắt túi mật để tránh biến chứng.
Bác sĩ Đặng Văn Quân, Chuyên khoa Ngoại, đánh giá đây là một ca bệnh rất nặng, túi mật đã có dấu hiệu hoại tử, nếu không được xử lý sớm bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhiễm độc, dẫn đến sốc và tử vong.
"Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt túi mật, chúng tôi gặp không ít khó khăn do túi mật bệnh nhân viêm căng to, hoại tử, mất ranh giới giải phẫu, chảy máu nhiều", bác sĩ Quân nói, thêm rằng sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, hết đau bụng.
Phác họa sỏi túi mật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay. Người bệnh phải chung sống với bệnh cả đời, có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học như giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và sỏi chậm phát triển. Ăn ba bữa cân bằng mỗi ngày. Tập luyện thể thao (đi bộ) tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Đa số bệnh nhân mắc sỏi túi mật không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi siêu âm ổ bụng, hoặc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng. Vì vậy, người có tiền sử mắc sỏi mật, xuất hiện các cơn đau ở giữa hoặc bên phải phần trên ổ bụng, hoặc dưới xương sườn, hay đau lan theo hướng sau lưng, buồn nôn, nôn... cần đến bệnh viện kiểm tra.
Hiện có nhiều phương pháp chẩn đoán viêm túi mật như xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn. Về chẩn đoán hình ảnh, siêu âm là phương pháp phổ biến để đánh giá các bất thường của túi mật, xác định tính chất của sỏi như số lượng, kích thước, phát hiện dấu hiệu viêm, sự tắc nghẽn dòng chảy của mật...
Lê Nga