Liên làm nhân viên văn phòng hơn 10 năm, mỗi ngày ngồi 10-12 tiếng để xử lý sổ sách, giấy tờ, không hết việc thì ôm hồ sơ về nhà tối làm thêm. Khoảng ba năm nay, Liên đau cổ, vai, gáy, "chỉ cần ngồi 30 phút là không chịu nổi, phải nằm". Túi xách của Liên luôn có miếng cao dán, dầu cao để "cấp cứu" những lúc đau mỏi.
"Chưa 30 tuổi mà sở hữu tấm lưng, cột sống của người già 70 tuổi", Liên than, thêm rằng gần đây đau mỏi nhiều phần lưng, không thể vặn mình, khó ngồi lâu, thỉnh thoảng đau buốt ở thắt lưng, phải dùng thuốc giảm đau. Cô khám tại Bệnh viện Đại học Y, chụp X-quang cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng, kết quả cột sống cong vẹo nhẹ sang phải, thoái hóa đốt sống L4.
Trường, 18 tuổi, ở Hải Phòng, cột sống cong vẹo, đau thắt lưng nhưng không đi khám, gần đây thêm đau mỏi cơ vùng cổ vai gáy. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ ghi nhận vai trái lệch cao gần 5 cm so với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S, nặng nhất ở đoạn ngực kèm lệch vẹo khung chậu.
Đáng buồn hơn, Thu, 24 tuổi, ở TP HCM, được bác sĩ cho biết không thể trả lại được hình dáng ban đầu của cột sống do biến dạng quá nặng. Thu bị vẹo cột sống ngực thắt lưng nặng, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ, các đốt sống ngực đã biến dạng. Tình trạng đau đớn xuất hiện từ 10 năm trước, gia đình nghĩ do Thu ngồi học sai tư thế, không đi khám.
Hình ảnh cột sống cong vẹo nhẹ sang phải của Liên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bệnh xương khớp, cột sống vốn là bệnh lý người già, thường ghi nhận ở người từ 55 tuổi trở lên. Đến nay, nhiều trường hợp đi khám mới ngoài 20 tuổi, nhóm 30-60 tuổi chiếm đa số. Bệnh lý cột sống bao gồm chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống, các bệnh liên quan đến u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống - tủy sống. Trong đó, nhóm liên quan đến thoái hóa cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt thoái hóa đốt sống chèn ép dây thần kinh... phổ biến.
Bộ Y tế ghi nhận 30% dân số Việt Nam bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và đang có xu hướng trẻ hóa, có thể gặp ở người lứa tuổi 20. Nhiều người phát hiện bệnh muộn và chữa trị không đúng cách nên tái phát nhiều lần và nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.
Bác sĩ Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể HMR, cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều người trẻ đến khám do vấn đề về cột sống, xương khớp, chiếm 50% số bệnh nhân. Hơn 60% số họ làm văn phòng như lễ tân, hành chính, kế toán, công nghệ thông tin, thiết kế... gặp vấn đề về xương khớp. Trong đó, phổ biến nhất là cong vẹo cột sống, thường gặp ở người dưới 18 tuổi.
Theo khảo sát 2.000 người do Alvica Medical thực hiện, 24% người lao động từ 16 đến 26 tuổi nghỉ việc trong năm nay vì lý do đau cổ, đau lưng. Khoảng 18% người thuộc nhóm millennials (sinh từ năm 1990 đến 1996) nghỉ việc với lý do tương tự. Nhiều chuyên gia cảnh báo thế hệ trẻ về mối đe dọa ngày càng tăng của chứng "cổ công nghệ".
Nguyên nhân chủ yếu do lối sống ít vận động, lười vận động hoặc vận động quá mức, ngồi sai tư thế, cúi nhìn điện thoại thông minh và máy tính bảng hàng giờ mỗi ngày. Những hoạt động này gây áp lực lên khớp, gây quá sức chịu đựng của khớp dẫn đến thoái hóa.
Theo bác sĩ, đa số người mắc bệnh xương khớp thường làm việc trong môi trường văn phòng, ít vận động thể dục, thể thao... khiến cơ thể ì ạch, các khớp bị ảnh hưởng. Khi làm việc với máy tính nhiều, phải ngồi bất động một tư thế cũng tác động đến khớp dẫn đến đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau cột sống thắt lưng. Một số trường hợp bị đau nhức xương nhưng không đi điều trị, chỉ uống thuốc, đi massage chỉ giải quyết tạm thời, để lại biến chứng nặng, khó điều trị hơn.
"Cột sống bị chấn thương khiến các bộ phận khác ảnh hưởng, bởi đây là nền móng của cả cơ thể. Nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, thậm chí tàn phế", bác sĩ nói.
Ngoài ra, các chấn thương cột sống trong sinh hoạt, chơi thể thao, tập luyện sai kỹ thuật, bê vác nặng, tai nạn... cũng ảnh hưởng đến chức năng cột sống, xương khớp. Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho biết đa số chấn thương thể thao đến từ nguyên nhân không được trang bị kỹ lưỡng để phòng tránh và tâm lý chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc, phải điều trị lâu dài.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có vấn đề xương khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo người trẻ làm việc văn phòng nên bỏ thói quen ngồi quá lâu, ngồi sai tư thế... để giảm nguy cơ gù lưng, gây hại đốt sống, thoái hóa đĩa đệm sớm. Nhóm lao động vất vả cẩn trọng khi bê vác vật nặng, quá sức. Người chơi thể thao cũng không tập luyện quá sức dẫn đến chấn thương vùng cột sống.
Mọi người nên sinh hoạt lành mạnh, hạn chế thức khuya, bổ sung đủ dinh dưỡng, canxi. Hạn chế cúi đầu, đeo túi lệch, gối đầu qúa cao, ngồi sai tư thế. Thường xuyên tập luyện giúp tăng cường sự dẻo dai xương khớp, duy trì cân nặng lành mạnh, giảm áp lực tác động lên cột sống.
Không hút thuốc và sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia. Mọi người nên đi khám khi có các triệu chứng bất thường như đau, tê vùng mông, đùi, chân, đi tiểu khó hoặc tay chân đột ngột yếu đi... để phòng ngừa biến chứng nặng.
Thùy An