Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Y tế cho hay tình trạng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp sau dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên nhiều quốc gia do các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại giai đoạn Covid-19, việc cung cấp các dịch vụ y tế bị gián đoạn.

Ở Việt Nam, việc mua vaccine gặp một số khó khăn như quy trình nhiều thủ tục cần 2-3 tháng thực hiện. Quá trình thẩm định và phê duyệt giá vaccine trải qua nhiều bước, yêu cầu phối hợp giữa các bộ Y tế, Tài chính và đơn vị sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm.

Giai đoạn 2016-2020, kinh phí mua vaccine tiêm chủng mở rộng được bố trí trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Bộ Y tế được cấp kinh phí mua vaccine và phân bổ cho các địa phương. Giai đoạn 2021-2022, chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc.

Theo Nghị quyết số 129/2020 của Quốc hội, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2021-2022 tương tự như giai đoạn 2016-2020. Như vậy, giai đoạn trước 2023, Bộ Y tế được giao kinh phí mua vaccine và phân bổ cho các địa phương.

CHC2302-JPG-8009-1730805851.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UwMuUrEKKlTbLyKeEdCyWQ

Hà Nội tiêm vaccine cho trẻ. Ảnh: Phạm Chiểu

Từ năm 2023, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương mua vaccine từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai, các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai.

Vì vậy nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm đầu mối mua vaccine và phân bổ cho các địa phương. Chính phủ cũng trình Quốc hội chỉ đạo bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất.

Cuối năm 2023, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương và tổng hợp nhu cầu vaccine 2024 trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 24,2 triệu liều vaccine các loại. Đến nay, Bộ đã phân bổ 22,79 triệu liều cho các địa phương.

'Kế hoạch tiêm chủng mở rộng hàng năm là tổng hợp từ đăng ký nhu cầu của các địa phương", theo Bộ Y tế, và việc tổng hợp này được cho là địa phương làm chậm dẫn đến thiếu. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn các tỉnh, thành rà soát, xác định nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 ngay từ cuối 2023.

Đồng thời, trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí năm 2024, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành mua sắm vaccine ngay cung ứng chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm vaccine uốn ván và vaccine viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh.

Trước đó, báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên nguy cơ mắc bệnh.

Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022