Ngày 16/7, TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết các bác sĩ đã can thiệp đặt 20 coils (vật liệu nút túi phồng) để tránh nguy cơ túi phình vỡ, ảnh hưởng tính mạng cháu bé.
Theo bác sĩ Cần, đây là trường hợp hiếm gặp và phức tạp. Chụp CT Scan ghi nhận bé xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não thất hai bên.
"Bé mới hai tháng tuổi, kích thước mạch máu rất nhỏ, việc luồng ống thông đi vào mạch máu rất khó, khiến thời gian thủ thuật kéo dài", bác sĩ nói. Sau can thiệp, bé tiến triển tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Phần lớn bệnh nhi mắc bệnh lý này không có biểu hiện rõ ràng. Một vài tình huống được phát hiện khi bé còn trong bụng mẹ qua quá trình siêu âm thai, hoặc ở trẻ sau sinh có xuất hiện phình tĩnh mạch Galen lưu lượng cao với dấu hiệu như giãn tĩnh mạch da đầu, xuất huyết mắt, lồi mắt, cảm nhận có âm thổi khi đặt tay lên đầu bé, thóp phồng... Đa số người bệnh chỉ được phát hiện khi có biến chứng như xuất huyết não, thóp phồng, nặng hơn là hôn mê.
Túi phình mạch máu não của bé có kích thước hơn 32 x 26 mm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phình động mạch não được ví như "quả bom nổ chậm" bởi có nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào, có thể dẫn đến tử vong. Tùy kích thước túi phình lớn hay nhỏ, bác sĩ sẽ cân nhắc hướng xử trí phù hợp. Nên sớm xử trí phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch khi các túi phình có kích thước lớn trên 12 mm, đặc biệt với bệnh nhân trẻ và có tiền sử gia đình.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình như tuổi, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình... Người lớn tuổi nên thăm khám định kỳ kiểm tra sức khỏe tim, mạch máu não. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực, buồn nôn, tay chân co giật hoặc ngất lịm, cần đi cấp cứu ngay.
Lê Phương