Sau sự cố, chị dùng băng gạc che tạm mắt, được người nhà đưa vào bệnh viện. Kết quả siêu âm đáy mắt, chụp Xquang hốc mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, xác định bị chấn thương vỡ nhãn cầu và mất tổ chức nội nhãn.
"Các bác sĩ đã phẫu thuật xử lý chấn thương, cố gắng bảo tồn tối đa cấu trúc mắt và đưa ra phác đồ điều trị để có thể lắp mắt giả. Dù không giúp lấy lại được thị lực nhưng ít nhất cũng đảm bảo được tính thẩm mỹ cho bệnh nhân", Ths.Bs Mai Thị Anh Thư, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, nói ngày 16/7.
Chấn thương vỡ nhãn cầu do vật cứng va đập mạnh là chấn thương nặng của nhãn khoa, ảnh hưởng thị lực cũng như thẩm mỹ. Bệnh nhân có thể bị rách kết mạc, giác mạc, củng mạc; tụ máu phần mềm quanh mắt, xuất huyết nội nhãn, khiến nhãn cầu bị mềm, biến dạng và mất thị lực.
Bác sĩ Anh Thư khám mắt cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Với chấn thương vỡ nhãn cầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét kỹ, đánh giá đúng mức độ trầm trọng của vết thương, cố gắng bảo tồn tối đa theo đúng cấu trúc giải phẫu. Trường hợp chấn thương nặng nề không thể cứu vãn, có thể phải bỏ nhãn cầu. Đây là quyết định cuối cùng nếu biện pháp bảo tồn không khả thi.
"Tình trạng của bệnh nhân này bị vỡ nhãn cầu, mất thị lực nên các bác sĩ đã phẫu thuật để bảo tồn nhưng vẫn không thể hồi phục thị lực do mắt tổn thương quá nặng. Sau một thời gian, nhãn cầu teo đi thì tiến hành đặt mắt giả khi hốc mắt sạch, hết phù nề", bác sĩ Thư nói, thêm rằng việc lắp mắt giả sẽ đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị chấn thương va đập mạnh vào mắt, bệnh nhân cần cần tránh những tác động đè ép lên nhãn cầu, đến bệnh viên chuyên khoa mắt để cấp cứu kịp thời, tránh nguy cơ mù vĩnh viễn.
Lê Nga